Nhân rộng mô hình của Quảng Ninh ra cả nước
Hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” với mục đích nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển mỗi xã một sản phẩm của các địa phương, đặc biệt là Quảng Ninh, để từ đó tham mưu đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thương mại hóa sản phẩm lợi thế của địa phương trong những năm tới.
Tại hội nghị, nhiều báo cáo tham luận nêu cách làm hiệu quả của chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, nổi bật là báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - Đặng Huy Hậu trao đổi, nêu ra nhiều kinh nghiệm hay về triển khai thực hiện hiệu quả chương trình OCOP.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với các đại biểu đoàn công tác về những vấn đề đặt ra cho phát triển sản phẩm OCOP |
Trong 3 năm triển khai chương trình OCOP, từ một số ít sản phẩm truyền thống, nhiều trong số đó mang tính tự cung tự cấp, Quảng Ninh đã phát triển 210 sản phẩm, tất cả đều là sản phẩm hàng hóa, có giá trị, được thị trường đón nhận, trong đó không ít sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường ngoài nước. Phát triển được 180 tổ chức sản xuất, trong đó chủ yếu là các tổ chức sản xuất mới thành lập và tại chỗ, là các HTX kiểu mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại vốn khởi nguồn từ tổ, nhóm, sản xuất nông thôn, kinh tế gia trại. Điều này cho thấy ý chí, khát khao phát triển sản xuất, làm giàu đã được bắt đầu và bùng cháy từ chính người nông dân, trên chính mảnh đất của mình. Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng, con số lớn, rất đáng phấn khởi trên bình diện sản phẩm OCOP là những sản vật địa phương có giá trị nhỏ.
“Với những gì đã và đang làm, tôi khẳng định mô hình OCOP của Quảng Ninh đủ điều kiện để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Thực tế cách làm dày công từ tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách cũng như bộ công cụ quản lý OCOP của Quảng Ninh là chất liệu tốt cho chính chúng tôi trong hoạch định chính sách phát triển sản phẩm trung ương nói chung cũng như việc các địa phương có thể vận dụng để triển khai đề án phát triển sản phẩm trên địa bàn mình, tất nhiên trên cơ sở phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của từng đơn vị” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường khẳng định!
Từ thực tiễn triển khai mô hình được Bộ NN&PTNT tổng kết, nhất là từ thực tiễn 3 năm triển khai của tỉnh Quảng Ninh cho thấy đây là chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như: Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh, địa phương đi đầu trong việc triển khai mô hình “Mỗi xã - phường một sản phẩm” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang lại nhiều bài học quý báu cho các địa phương, cần nhân rộng mô hình của Quảng Ninh ra các địa phương của cả nước.
Gắn chương trình với mục tiêu xây dựng NTM
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung “Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” với mục tiêu đến năm 2020, có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập và có 85% số xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” rất quan trọng, vì nó góp phần phát triển hàng hóa, tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như: Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững…
Do vậy, chương trình đòi hỏi yêu cầu phải có sự thống nhất cao về nhận thức, cách làm, chính sách từ trung ương đến địa phương; tháo gỡ nút thắt trong vấn đề tích tụ đất đai, ưu đãi thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX trang trại; thể chế hóa gói tín dụng thương mại 100.000 tỷ vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao…
Những yêu cầu mới về phát triển mỗi xã một sản phẩm
Để phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn nói chung và trong đó thực hiện chương trình mỗi xã phường 1 sản phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lưu ý thực hiện một số yêu cầu mới.
Ông Nguyễn Văn Đọc (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh |
Việc phát triển sản phẩm làng nghề mỗi xã, phường, trước hết phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong những sản phẩm đã có, tập trung vào những sản phẩm đã có thương hiệu. Cùng với đó là phải tạo ra những sản phẩm mới, những ngành nghề mới, đảm bảo chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường. “Đặc biệt phải chú ý, gắn sản xuất với thị trường, phải lấy thị trường toàn cầu, thị trường thế giới làm mục tiêu và coi trọng thị trường trong nước. Có đáp ứng yêu cầu như thế, chúng ta mới có được lượng hàng hóa lớn để phát triển” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc thực hiện mỗi xã một sản phẩm, không chỉ sản xuất tại một xã mà phải được nhân rộng để tạo ra những sản phẩm có khối lượng lớn có chất lượng và sức cạnh tranh cao.
Thực hiện mỗi xã một sản phẩm, cũng yêu cầu phải tạo ra nhiều việc làm mới và sử dụng lao động tại nông thôn, tránh tình trạng sử dụng lao từ nơi khác dẫn đến quá tải. Chủ yếu là phải tạo việc làm tại chỗ để góp phần giảm lao động nông nghiệp thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp ở khu vực nông thôn.
Để thực hiện những yêu cầu này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế phi nông nghiệp.
Các địa phương phải có trách nhiệm xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng quy hoạch phát triển và đặc biệt là tuyên truyền vận động từ các cấp chính quyền đến các tổ chức xã hội tham gia thực hiện chương trình này. Đồng thời tạo mọi điều kiện thật tốt để cho các nhà khoa học, các nhà tư vấn tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ: “Phát triển mỗi xã một sản phẩm phải lấy người dân, các hộ gia đình làm chủ thể để sản xuất tạo ra sản phẩm; lấy doanh nghiệp, lấy HTX, tổ HTX làm động lực trong việc tổ chức sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng các thương hiệu… Chỉ khi các doanh nghiệp vào cuộc bằng lợi nhuận của chính DN, thì DN sẽ vận động để tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu và tổ chức cho người dân tham gia sản xuất”. Theo Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh - Nguyễn Văn Đọc: “Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Chính phủ; tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, đảm bảo thường xuyên, liên tục và lâu dài; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, thương mại du lịch trên địa bàn. Tỉnh tiếp tục xác định người nông dân làm chủ thể, trực tiếp thực hiện vai trò và được hưởng thụ; đầu tư của doanh nghiệp là động lực; nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ; thông qua xây dựng và chuyển giao nhân rộng các mô hình sản xuất để đưa cơ chế, chính sách vào thực tiễn, với chương trình OCOP là trọng tâm phát triển nông nghiệp”. |