Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3), Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) và Hội khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) phối hợp tổ chức các Giải thưởng: Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021; Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2021; Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021.
Các Giải thưởng nhằm tôn vinh những doanh nghiệp công nghiệp, công trình xây dựng đã thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là dịp để ghi nhận nỗ lực của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu suất năng lượng vượt trội (trên mức 5 sao hiện hành), góp phần thúc đẩy chuyển dịch thị trường, từng bước loại bỏ các sản phẩm hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Các doanh nghiệp được trao giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020 |
Theo đó, các nhà sản xuất sản phẩm năng lượng hiệu suất cao, công trình xây dựng và doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả sẽ được đánh giá và chứng nhận thông qua hệ thống Giải thưởng của chương trình VNEEP.
Nhãn năng lượng đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng trong những năm trở lại đây. Hiện có 21 nhóm sản phẩm tiêu thụ năng lượng quen thuộc được quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc. Danh sách này bao gồm các thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng - thương mại, thiết bị công nghiệp và cả phương tiện giao thông vận tải.
Khác với Nhãn năng lượng, Nhãn sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất mới chỉ xuất hiện từ năm 2020 nhưng được các chuyên gia đánh giá rất cao. Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam thì để có được chứng nhận “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất” (mức trên 5 sao hiện hành) cần áp dụng các công nghệ vượt trội.
Tại các nước phát triển, thị trường sản phẩm siêu hiệu suất đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Điển hình như Nhật Bản, Chương trình Top-runner chứng nhận các nhãn hàng và sản phẩm siêu hiệu suất cao đã được biết đến từ hơn chục năm nay. Đây được coi là “bảo chứng thương hiệu” và mục tiêu hướng tới của tất cả các nhà sản xuất muốn duy trì chỗ đứng hoặc tiếp cận thị trường khó tính này.
Ở xứ sở chuột túi, nhãn năng lượng là Chương trình quốc gia bắt buộc của Úc hơn 2 thập kỷ nay. Ban đầu nhãn có mức xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Trong những năm gần đây, thang đo được điều chỉnh lên tới 10 sao. Các sản phẩm có trên 6 sao là sản phẩm "siêu hiệu quả năng lượng", được đa số người tiêu dùng ưu ái lựa chọn.
Năm 2020, thông qua Giải thưởng “Sản phẩmh Hiệu suất năng lượng cao nhất” Bộ Công Thương đã lựa chọn và chứng nhận Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất cho 54 model thuộc 04 nhóm sản phẩm bao gồm đèn led, máy biến áp, máy giặt và điều hòa không khí.
Theo kế hoạch, Giải thưởng “Sản phẩmh Hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021" sẽ tiếp tục đưa ra các tiêu chí để lựa chọn các sản phẩm công nghệ vượt trội, tiết kiệm năng lượng. Ngoài các sản phẩm, phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện thuộc danh mục quy định phải dán nhãn năng lượng, Giải thưởng còn hướng đến các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Đây là cơ hội tốt để nhiều doanh nghiệp sản xuất tham gia vào thị trường và người tiêu dùng được tiếp cận rộng rãi hơn với các sản phẩm hiệu suất cao, đồng thời tạo động lực khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hành động tích cực hơn.
Chứng nhận công trình xây dựng và cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ là một nét mới trong chuỗi hoạt động của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3).
Theo tính toán sơ bộ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của Việt Nam còn khá lớn. Lĩnh vực công nghiệp chiếm 47% tỷ trọng tiêu thụ năng lượng hàng năm, hiệu quả tiết kiệm năng lượng được đánh giá vào khoảng 20-30%. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, với tốc độ tăng diện tích sàn hàng năm là 40%, chưa tính đến các công trình đã đưa vào sử dụng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt tới 35%.
Theo những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, tiết kiệm năng lượng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư như tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Ở khía cạnh quản lý, gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp và xây dựng sẽ đóng góp đáng kể cho các mục tiêu chung trong các cam kết với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Do đó, giải thưởng có hiệu quả lớn trong việc tôn vinh và tạo động lực khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hành động tích cực hơn.
Lễ phát động các Giải thưởng sẽ được tổ chức vào ngày 23 tháng 8/2021 theo hình thức trực tuyến. Lễ công bố doanh nghiệp, công trình và sản phẩm đạt chứng nhận sẽ được tổ chức vào cuối năm 2021. Thông tin về các giải thưởng sẽ được công bố trên trang TTĐT (//tietkiemnangluong.com.vn/) và fanpage chính thức của chương trình VNEEP. |