Thái Nguyên: Hiệu quả từ những chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thái Nguyên: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc |
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất
Nhằm đảm bảo điều kiện phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các tiểu Dự án về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Những hoạt động tiêu biểu phải kể đến như quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học ở vùng dân tộc thiểu và miền núi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Tại Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long, trong 2 năm 2022 và 2023, Nhà trường được đầu tư 2 công trình lớp học 2 tầng 6 phòng học tại Điểm trường chính và Điểm trường Lân Quan (cách điểm trường chính 7km). Cô giáo Trịnh Thị Vân, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, nếu như trước đây, tại Điểm trường Lân Quan có 98/98 học sinh là người dân tộc Mông, chỉ có 5 phòng học tạm, không có phòng bộ môn thì nay, nhờ sự quan tâm đầu tư, Nhà trường đã có 5 phòng học khang trang đảm bảo về diện tích, có thêm 3 phòng bộ môn: Tin học, Tiếng Anh và Giáo dục nghệ thuật - Khoa học công nghệ, 1 phòng họp giáo viên. Điểm trường chính hiện có đủ 10 phòng học và 4 phòng bộ môn khang trang.
Theo cô Vân, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà trường còn được quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, giường, tủ, bếp nấu..., đảm bảo chăm lo cho học sinh bán trú trong trường… Nhờ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường được nâng lên rõ rệt.
Trường Mầm non Hòa Bình được đầu tư xây mới khang trang, sạch sẽ |
Tương tự, tại xã Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Minh Khoái, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bình cho hay, trước kia trường có 6 lớp, 150 cháu, hơn 60% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Nùng. Các lớp học trong trường không đủ diện tích, nhiều phòng học phải học nhờ các phòng chức năng, phòng học cơi nới, nền lớp bong tróc, tường rạn nứt, trần nhà dột nát, mùa đông gió lạnh, mùa hè nóng nực khiến phụ huynh không yên tâm đưa con đến lớp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp… Do không có phòng học nên Nhà trường không tách được lớp, có lớp số học sinh quá tải so với quy định khiến hoạt động dạy và học vô cùng khó khăn.
Trước những khó khăn đó, huyện Đồng Hỷ đầu tư xây dựng thêm 1 công trình nhà 2 tầng kiên cố, với 8 phòng học, mỗi phòng học có diện tích trên 60m2 và một số công trình, cơ sở vật chất khác. Nhờ đó, Nhà trường có đủ số phòng cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đảm bảo diện tích, có đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng mát, trang trí đẹp và phù hợp…
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bình cười vui, bây giờ phụ huynh học sinh yên tâm gửi con, em đến lớp rồi. Năm học 2023 - 2024, nhà trường tăng số lượng học sinh lên 160 cháu, trong đó có 104 cháu là người dân tộc thiểu số; cơ sở vật chất, thiết bị học tập đầy đủ, chất lượng giáo dục đào tạo từ đó cũng đã được nâng lên
Theo Báo cáo của UBND huyện Đồng Hỷ, thực hiện các tiểu Dự án về Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng kinh phí cho giai đoạn 2021 - 2025 là 16 tỷ 440 triệu đồng; vốn đầu tư giao đến năm 2024 là 12 tỷ 922 triệu đồng. Với nguồn kinh phí trên, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng 6 công trình trường lớp học cho các trường bán trú, các trường có học sinh bán trú tại các xã Văn Lăng, Tân Long, Hợp Tiến.
Không chỉ có huyện Đồng Hỷ, mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tận dụng mọi nguồn lực, tích cực đầu tư, cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục. Thông tin từ Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các huyện trên địa bàn đã bố trí vốn hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường nội trú, bán trú trên địa bàn; mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào. Xây dựng kế hoạch thực hiện tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, 6 lớp bối dưỡng tiếng dân tộc thiểu số…
Tạo “Cầu nối” việc làm cho thanh niên, học sinh, người lao động người dân tộc thiểu số
Ngoài điểm sáng về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Thái Nguyên còn quan tâm, dành nguồn lực lớn cho các hoạt động kết nối cung cầu lao động, việc làm. Hàng loạt Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp đã được tổ chức trong Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Sàn giao dịch việc làm di động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên, học sinh, người lao động người dân tộc thiểu số |
Tại Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp huyện Định Hóa năm 2024 được tổ chức hồi tháng 5/2024, do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện và UBND xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa tổ chức, ông Lưu Hồng Khoa - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Định Hóa cho biết, Ngày hội đã có sự tham gia của trên 20 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và trên 800 người lao động, đoàn viên thanh niên, học sinh có nhu cầu tìm việc làm, học nghề hoặc tìm hiểu các thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước; hỗ trợ khởi nghiệp.
“Ngày hội là cầu nối, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động, đoàn viên thanh niên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp xúc trực tiếp, trực tuyến với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, Trung tâm Dịch vụ việc làm. Đồng thời, được tiếp nhận thông tin, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm” - ông Lưu Hồng Khoa cho hay.
Đồng quan điểm, ông Lưu Văn Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên khẳng định: Ngày hội là những hoạt động thiết thực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiều số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh đào tạo và tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên.
Đặc biệt hỗ trợ thanh niên, học sinh, người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp cận thuận lợi với thông tin định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh chương trình giáo dục đại học, thông tin thị trường lao động, nhu cầu sử dụng lao động, góp phần định hướng nghề nghiệp, việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với trên 40 hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm; có 150 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham gia, với hơn 30.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo nghề, giáo dục đại học. Tổ chức Ngày hội việc làm cấp tỉnh tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên…
Bên cạnh đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố cũng căn cứ nhiệm vụ, nguồn vốn được phân bổ, tích cực phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa – Thông tin tổ chức các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; tổ chức các lớp tập huấn, ngày hội việc làm, ngày hội khởi nghiệp cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động tại địa phương.
Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đầu tư cơ sở vật chất, kết nối cung cầu lao động… tỉnh Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả các tiểu dự án về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.