Tàu chiến lớn nhất mà Philippines vừa mua để tuần tra trên Biển Đông.
CôngThương - Các chuyên gia pháp lý của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ gặp nhau ở Manila vào tháng 9 để bàn về một đề xuất như vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez thông báo với các phóng viên.
Ông cho biết mục đích cuối cùng của việc này là đảm bảo các nước ASEAN, sau đó là Trung Quốc, chấp nhận kế hoạch phân định các khu vực biển tranh chấp trên Biển Đông, nơi được cho là giàu tài nguyên và chứa các tuyến hàng hải quan trọng với thương mại thế giới.
"Nếu chúng ta có thể xác định những phần tranh chấp, chúng ta sẽ có khả năng khai thác chung", Hernandez nói.
Những khu vực không tranh chấp sẽ thuộc về quốc gia nào sở hữu khu vực đó, ông nói thêm.
Biển Đông là nơi có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Những tháng gần đây tình hình Biển Đông nóng lên do những tố cáo qua lại giữa các bên. Trung Quốc đã cho tàu quấy phá hoạt động của tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của Việt Nam, với mục đích biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp.
Philippines cũng tố cáo các phương tiện của Trung Quốc xâm phạm vùng nước mà Manila đã tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc thì bác bỏ các cáo buộc và khẳng định họ mong muốn giải quyết vấn đề qua đối thoại và hòa bình. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn khẳng định yêu sách 9 đoạn vô căn cứ của họ, bao gần trọn Biển Đông. Trung Quốc cũng nhắc lại quan điểm có thể khai thác chung các vùng tranh chấp trên Biển Đông, với điều kiện khẳng định chủ quyền của họ. Điều này bị các bên liên quan phản đối.
Ông Hernadez nói nếu đề xuất của Philippines thu hút sự chú ý của các bên, nó sẽ được trình ra trước các quan chức cấp cao và sau đó là các ngoại trưởng ASEAN.
Bước tiếp theo, thuyết phục Trung Quốc đồng thuận với kế hoạch này, sẽ là một thử thách, Hernandez dự đoán. "Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ lắng nghe tiếng nói của ASEAN và cả của cộng đồng quốc tế", ông nói.