Quản lý rừng bền vững tạo uy tín và gia tăng giá trị rừng và sản phẩm gỗ
Quản lý rừng bền vững tại Việt Nam đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm qua, thể hiện tại Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 5/2/2007, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2020 phải thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,2 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp và có ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất tương ứng với khoảng 2 triệu ha rừng phải được được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Quản lý rừng bền vững tạo uy tín và gia tăng giá trị rừng và sản phẩm gỗ |
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ được mở rộng và có mặt ở hơn 120 quốc gia trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tục tăng nhanh trong giai đoạn 2010 – 2015 với tốc độ tăng bình quân khoảng 28%/năm. Năm 2018, giá trị xuất khẩu của ngành đã đạt 9,382 tỷ USD vượt so với mục tiêu 7,8 tỷ USD xuất khẩu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020.
Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ và ghi nhận, ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản nước ta cũng đang đứng trước những thách thức lớn, nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có những yêu cầu rất cao về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu và các tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý rừng bền vững, điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì mới xuất khẩu được sang các thị trường lớn. Tính đến nay, diện tích chứng chỉ rừng Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 236,998 ha con số này còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra đồng thời chưa đáp ứng được nhu cầu gỗ có chứng chỉ cho xuất khẩu.
Chính vì vậy, thực hiện Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, trong đó cho phép thành lập Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia, đồng thời giao Bộ NN&PTNT thành lập văn phòng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, là cơ quan đầu mối để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, nhằm thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích rừng hiện có, từng bước đảm bảo và nâng cao giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường của rừng phù hợp với yêu cầu và tiến trình phát triển của quốc tế trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ cho sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản.
Ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được thành lập sẽ là đầu mối hợp tác với các tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế, các cơ quan, tổ chức liên quan để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia; chủ trì và triển khai các hoạt động chứng chỉ rừng tại Việt Nam; xây dựng và phát triển thương hiệu Chứng chỉ rừng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời tổ chức việc kiểm tra giám sát việc cấp chứng chỉ rừng của hệ thống quốc gia.
“Trong thời gian tới, để vận hành được Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, chúng tôi mong muốn có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chủ rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong việc vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, xây dựng và phát triển thương hiệu của hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, tạo uy tín trên trường quốc tế”, ông Công nhấn mạnh.
Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường rừng và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước về nguồn gốc gỗ hợp pháp; tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng; xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp.