Quảng Nam: Tăng cường nâng cao chất lượng cho chương trình OCOP
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn.
Cụ thể, các địa phương phải có trách nhiệm kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tham mưu giúp việc; tổ chức hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai Chương trình OCOP tuân thủ đúng chu trình OCOP. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn, nhất là cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, chủ thể sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các cam kết của chủ thể về chất lượng sản phẩm sau khi công nhận các hạng sao OCOP; ưu tiên bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Đáng chú ý, Quảng Nam đặc biệt quan tâm trong khâu rà soát lại danh mục sản phẩm đã đăng ký nhằm hạn chế, giảm thiểu số lượng các sản phẩm (tham gia OCOP) trùng lắp về chủng loại (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm), sản phẩm còn ở dạng thô, chưa qua chế biến, chế biến sâu, các sản phẩm tươi sống.
Vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan và các địa phương triển khai nhiều nội dung nhằm góp phần nâng cao, tăng giá trị chất lượng sản phẩm Chương trình OCOP Quảng Nam trong năm 2020 và những năm đến.
Đặc biệt, Sở Công Thương Quảng Nam có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm Chương trình OCOP năm 2020.
Các sản phẩm OCOP của Quảng Nam có chất lượng và mẫu mã thu hút. |
Nội dung chỉ rõ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm mang tính mới (có phương án áp dụng công nghệ mới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã được cải tiến đảm bảo quy định, hình thức sang trọng, bắt mắt); các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... để sản phẩm OCOP đảm bảo điều kiện tham gia xuất khẩu chính ngạch vào thị trường quốc tế; sản phẩm từ các làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống do các chủ thể là Hợp tác xã, doanh nghiệp (ưu tiên công ty cổ phần) tham gia. Ngoài ra, các sản phẩm còn phải mang tính đặc hữu, đặc trưng của địa phương, có lợi thế về nguyên liệu, lao động, có tiềm năng thị trường; các sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP được các chủ thể tiếp tục nâng cấp, như đầu tư máy móc, trang thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì, nhãn mác… nhằm gia tăng giá trị và có tiềm năng được đánh giá thăng hạng sao OCOP.
Lưu ý các sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, chủ thể không nỗ lực triển khai, tự động bỏ cuộc, không tiếp tục tham gia chương trình.
Các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP như: Tiên Phước, Đông Giang, Bắc Trà My, Hội An có nhiệm vụ gửi hồ sơ dự án triển khai các mô hình điểm thực hiện Chương trình OCOP.