Chương trình có sự tham gia của khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tại chương trình, bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ và ông Vũ Hùng Thịnh – Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp tại Quảng Ninh chia sẻ thông tin, giải đáp nhiều thắc mắc và hướng dẫn tra cứu quy định về xuất xứ hàng hóa và phổ biến việc thực hiện Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ Công Thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định EVFTA. Đồng thời, hướng dẫn cho các cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp các quy định về khai báo C/O mẫu EUR1.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ về những điểm cần lưu ý trong EVFTA |
Ông Tony Zhou, Trợ lý Tổng giám đốc Công Ty TNHH Texhong Khánh Nghiệp Việt Nam – một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình cho biết: “Nguồn sảp phẩm của công ty phục vụ chính cho ngành may mặc, theo đánh giá của chúng tôi thị trường EU là thị trường khá lớn. Trước đây các sản phẩm của chúng tôi khi xuất đi EU bị áp thuế nhập khẩu rất cao. Nên các doanh nghiệp nhập khẩu tại EU thường từ chối các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, điều này khiến doanh nghiệp chúng tôi mất đi một thị trường lớn. Ngay khi được biết hiệp định EVFTA chuẩn bị có hiệu lực. Doanh nghiệp đã tích cực tìm hiểu để học hỏi, để lên kế hoạch mở rộng thị trường sang EU. Nguồn thuế nhập khẩu giảm xuống, đơn hàng của chúng tôi chắc chắn sẽ tăng thêm nhiều”.
Đồng thời, thông qua chương trình, các doanh nghiệp có thể nắm được những nội dung mới nhất và quan trọng nhất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, khai thác và tận dụng hiệu quả các cơ hội, lợi ích và ưu đãi mà EVFTA mang lại.
Bà Wendy Le, phó giám đốc phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (Việt Nam) chia sẻ: Thị trường chính chúng tôi đang hướng tới là EU, chính vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, nguyên phụ liệu của chúng tôi ngoài mua tại Việt Nam còn mua tại nhiều thị trường khác, mà theo yêu cầu về nguyên phụ liệu trong EVFTA rất khắt khe, do vậy chúng tôi tham gia hội nghị này để biết thêm thông tin và có thể hiểu biết thêm về thị trường để chúng tôi có thể xuất khẩu được các sản phẩm của chúng tôi đáp ứng được yêu cầu về chứng nhận xuất xứ”.
Đại diện Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (Việt Nam) đặt câu hỏi về tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong EVFTA |
Tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi tham gia sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Do vậy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp để thực thi Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả và khả thi nhất với mục tiêu khai thác tối đa lợi ích, hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực và chủ động vượt qua thách thức do EVFTA mang lại, đáp ứng kỳ vọng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Nguyễn Hoài Thương: “Thông qua chương trình này, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp nắm và hiểu được những thông tin cơ bản nhất về các quy định, trình tự mới về xuất xứ hàng hóa trong EVFTA và cùng trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc của đơn vị trong trong quá trình thực hiện cấp C/O”.
Ông Vũ Hùng Thịnh – Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp trong thủ tục,cách tra cứu quy định về xuất xứ hàng hóa |
Cũng tại buổi gặp gỡ, Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số lưu ý chính đối với các doanh nghiệp tham gia vào EVFTA: “ Do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, ví dụ như thủy sản, dệt may hay da giày, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực"- bà Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý tổ chức hệ thống lưu trữ, đảm bảo khi có hậu kiểm, hoặc cơ quan hải quan nước ngoài đề nghị kiểm tra xác minh xuất xứ thì doanh nghiệp có chứng từ lưu trữ đầy đủ để chứng minh hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất xứ, giúp cho chứng từ chứng nhận xuất xứ được chấp nhận.