Sâm núi Ngọc Linh: Giá trị đặc biệt hiếm có
Vườn ươm sâm Ngọc Linh |
Được biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan triển khai xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh. Ngoài các cơ chế chính sách đã được quy định, các bộ ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù từng sản phẩm quốc gia…
Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), tháng 9/2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My, với tổng diện tích 30.000ha, tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại huy động xã hội hóa.
Nhiều năm nghiên cứu về kinh tế và giá trị của sâm quý Ngọc Linh, TS Trần Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Đông Á, cho biết, nǎm 1979, Quảng Nam tổ chức điều tra ở 5 xã của huyện Nam Trà My với sự giúp đỡ của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Kết quả đợt điều tra là việc tìm thấy 1.337 cây trong 211 ô tiêu chuẩn. Trọng lượng trung bình thân rễ sâm là 5,26 gram; số thân có trọng lượng trên 25 gram là 7,39% và số thân rễ có trên 10 sẹo (ước tính trên 8 năm tuổi) là 36,9%. Đợt điều tra này đã thu được 1 thân rễ có tới 52 sẹo (ước tính cây trên 50 năm tuổi), đường kính 1,2cm, tuy nhiên đây chưa phải là thân rễ sống lâu nhất. Trong những đợt tìm kiếm, điều tra về sau còn phát hiện ra cây khoảng 82 năm tuổi có rễ, củ và thân rễ dài hơn nửa mét.
Sâm Ngọc Linh |
Theo nhìn nhận của TS Sơn, sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.
“Đây là cây thuốc quý hiếm. Trong đó, về mặt hóa học, thân và rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, đại diện chính của sâm Ngọc Linh là Ginsenoside - Rb1, Ginsenosid - Rg1, Ginsenosid - Rd, majonosid-R1, majonosid-R2. Đặt biệt majonosid-R2 chiếm 50% hàm lượng saponin toàn phần của sâm Ngọc Linh.
Cùng với các đặc điểm này, trong lá và cọng lá của sâm Ngọc Linh các nhà khoa học còn phân lập được 19 saponin dammaran; trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới. Ngoài thành phần chính là saponin, lá và cọng lá sâm Ngọc Linh còn xác định có 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng glucid tinh dầu là 0,1%. Đặc biệt, chỉ sâm Ngọc Linh mới có hợp chất saponin với majonosid R2 chiếm hơn 50% hàm lượng saponin có trong sâm. Tuy nhiên do sự khai thác tận diệt, có nguy cơ tuyệt chủng nên cần có công nghệ nhân giống cho sâm Ngọc Linh”- TS Sơn nhấn mạnh.