Bứt phá từ những “cánh đồng trăm triệu”
Từ chỗ là tỉnh miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô lớn nhất nước, Sơn La đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước. Đó là kết quả của quá trình đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Thương hiệu nông sản Sơn La ngày càng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế |
Đặc biệt, nhận thức được việc yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, việc sản xuất nông nghiệp cũng đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn. Theo đó, tỉnh đã đồng bộ các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và hướng tới GlobalGap. Nhiều công nghệ cao đã được áp dụng như xây dựng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nước tiết kiệm… Đồng thời, nâng cao hiệu quả của các cơ sở chế biến hiện có và đầu tư mới các cơ sở chế biến gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất rau, quả cho thu nhập cao, tính thu nhập bình quân trên 1 ha đạt từ 150 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao mức sống của người dân và mở rộng phát triển sản xuất. Tiêu biểu như: Thanh long 225,5 triệu đồng/ha; nhãn ghép 226,5 triệu đồng/ha; mận hậu 228,2 triệu đồng/ha; xoài ghép 262,4 triệu đồng/ha; hồng giòn 293,6 triệu đồng/ha... Riêng với cà chua đã đạt con số 400 triệu đồng/năm; xà lách 500 triệu đồng/ha.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 150 chuỗi rau, quả với tổng diện tích sản xuất đạt 2.553,6 ha, sản lượng 31.205 tấn/năm. 12 sản phẩm rau, quả mang địa danh của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Đi cùng với đó, toàn tỉnh có 374 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rau, quả trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 10.000 ha. Toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp khoa học công nghệ có các hoạt động sản xuất liên quan đến sản xuất giống cây ăn quả và chế biến các sản phẩm từ quả.
Bên cạnh đó, Sơn La đã xây dựng được nhiều cơ sở chế biến cho nhiều loại quả. Riêng về nhãn, đã có 455 cơ sở sơ chế biến. Các cơ sở chế biến long nhãn tiêu thụ khoảng 60% sản lượng nhãn tươi sản của tỉnh. Riêng sản phẩm long nhãn không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc.
Với các sản phẩm xoài, mận, chuối, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở chế biến. Các cơ sở có công suất từ 2 tấn đến 3 tấn quả tươi/ngày. Các cơ sở đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, đồng thời, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì và quảng bá, kết nối tiêu thụ khá tốt tại thị trường trong tỉnh và trong nước.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có một số nhà máy chế biến rau quả với công suất lớn như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc, công suất chế biến từ 10.000 tấn rau, quả/năm, với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Nhà máy hiện mới sản xuất dịch chanh leo, tiêu thụ khoảng 10.000 tấn quả/năm. Bên cạnh đó là nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La. Nhà máy đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng quy mô công suất 1.700 tấn sản phẩm sấy khô/năm.
Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Để có được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ đây, góp phần thay đổi phương thức sản xuất của một bộ phận người dân từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Nguyễn Đình Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La - cho hay, để các sản phẩm nông sản có thể mở rộng thị trường, ngoài việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, yếu tố đầu vào như vật tư giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc… đều phải chuẩn, sau đó mới đưa đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường. Tỉnh Sơn La cũng luôn hướng tới vùng sản xuất nông sản an toàn. Do đó, tỉnh luôn hướng dẫn các hợp tác xã chuyển dần sang hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; quản lý tốt các diện tích đã được cấp mã vùng trồng, tiếp tục xây dựng các mã vùng trồng mới; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, GlobalGAP). Đồng thời, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các cơ sở thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết hợp đồng xuất khẩu; các cơ sở chế biến sản phẩm đủ tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sơn La sẽ tập trung khai thác, tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; xây dựng và phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.
Trong đó, về cây ăn quả - thế mạnh của tỉnh, Sơn La chú trọng phát triển các loại cây được ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: Xoài, nhãn, cam, bơ, chanh leo, hồng, lê… Tỉnh cũng sẽ rà soát chuyển một phần diện tích đất trồng cây lương thực năng suất, hiệu quả thấp và diện tích đất dốc, đất trồng đồi trọc sang trồng cây ăn quả; đẩy mạnh phát triển các ngành hàng công nghiệp chế biến rau, quả, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cao, làm cơ sở thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Từ đây, phấn đấu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến rau, quả của vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tỉnh sẽ hoàn thành đi vào hoạt động tối đa công suất các nhà máy chế biến rau, quả đã và đang đầu tư. Đồng thời, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn chế biến có uy tín, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đầu tư các nhà máy chế biến rau, quả tại khu vực huyện Yên Châu, Mường La, Thuận Châu với các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.