Sử dụng chưa hiệu quả
Theo thống kê, hiện cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với mức tiêu thụ hàng năm khoảng trên 34,3 triệu TOE, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở này đều phải xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng… thế nhưng năm 2021, chỉ có 30-40% cơ sở duy trì hệ thống quản lý năng lượng; 91 cơ sở kiểm toán năng lượng.
Năng lượng giữ vai trò quan trọng đối với sản xuất |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hệ số đàn hồi (hiệu quả sử dụng năng lượng/GDP) của Việt Nam đã có bước chuyển đáng kể (trước 2015 hệ số đàn hồi lớn hơn 2, hiện nay đạt khoảng 1,29), tuy nhiên vẫn còn cao so với các nước phát triển, thậm chí trong khu vực.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, hiện Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, Malaysia khoảng 60%, đặc biệt so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì cao hơn gấp 4-5 lần… Điều này cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả và rất đáng suy nghĩ.
Theo Hội khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam (VECEA), năng lượng ở Việt Nam lãng phí ở cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ. Cụ thể, trong khâu sản xuất, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Khâu tiêu thụ cũng kém hiệu quả. Để sản xuất ra cùng một sản phẩm, ngành công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN - cho hay, với hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Tương tự, số khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu tiết kiệm 1% điện tiêu thụ mỗi năm thì cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
Như vậy, nếu theo mục tiêu của Chính phủ về tiết kiệm điện 2%/năm thì số tiền do sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả lên trên 5.000 tỷ đồng/năm. Và con số này vẫn còn tăng lên theo nhu cầu điện thương phẩm. Nếu tính cả các ngành năng lượng khác thì con số còn lớn hơn rất nhiều.
Nguyên nhân và hệ lụy
Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như: Công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành; các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tình trạng thất thoát và lãng phí trong cung cấp và sử dụng năng lượng, hoặc có làm chỉ mang tính đối phó. Hiện mới chỉ có lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một phần trong lĩnh vực xây dựng là đã xây dựng hệ thống/mô hình quản lý năng lượng, còn một số lĩnh vực như giao thông vận tải thì chưa thực hiện.
Cần đẩy mạnh tiết kiệm điện trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là một số ngành có tỷ lệ tiêu thụ năng lượng cao |
Bên cạnh đó là nguồn lực ngân sách cho Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn nhiều hạn chế; nguồn dữ liệu và thông tin chưa đầy đủ; các cơ chế khuyến khích cho đầu tư còn đang gặp vướng mắc. Hay quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn chưa cụ thể và thiếu tính răn đe; công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp chính quyền địa phương còn nhiều tồn tại.
Có thể khẳng định, sử dụng năng lượng lãng phí đã để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như tốn nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; gây ô nhiễm môi trường; gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia; người dân thêm khó khăn vì phải chi trả thêm chi phí; ảnh hưởng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; an ninh năng lượng quốc gia và các cam kết của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để khắc phục những tồn tại nêu trên.
Năng lượng (điện, xăng dầu, than, các dạng năng lượng khác) là ngành đặc thù, là chi phí “đầu vào” của tất cả các ngành sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa và dịch vụ. Việt Nam đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm vì sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực |
Bài 2: Khoảng cách lớn từ Luật đến thực tiễn