Quản Bạ (Hà Giang): Lễ hội Làng nghề dệt lanh Lùng Tám Vải lanh Lùng Tám ra thị trường |
Làng nghề dệt lanh Lùng Tám, huyện Quản Bạ là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hà Giang. Nơi đây lưu giữ nhiều kỹ năng độc đáo của nghề dệt lanh truyền thống. Theo bà Vàng Thị Mai - Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt vải lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám: Trồng lanh, dệt vải không chỉ là nghề mà còn là nét văn hóa của người dân nơi đây. Ngay từ khi còn nhỏ phụ nữ Mông đã được bà, được mẹ hướng dẫn xe sợi, dệt vải. Đời sau nối tiếp đời trước, dệt lanh trở thành một phần cuộc sống của bà con.
Khi nhận thấy nghề truyền thống có dấu hiệu bị mai một, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ bà Mai đã mạnh dạn nhận vai trò trưởng nhóm và vận động bà con trong làng tham gia nhóm sản xuất từ khi mới sơ khai.
“Từ một nhóm nhỏ, chúng tôi đã thành lập được hợp tác xã với hơn 100 thành viên chia làm 9 tổ sản xuất. Hiện nay chúng tôi hàng ngày tiếp đón rất nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan mua sắm cũng như trải nghiệm các kỹ năng dệt lanh truyền thống”, bà Vàng Thị Mai nói.
Sự phát triển của làng nghề dệt lanh Lùng Tám ngày hôm nay có sự góp sức lớn từ Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội Craft Link. Từ năm 1999 Cratf Link hỗ trợ Lùng Tám khôi phục nghề trồng lanh, dệt vải để thay thế cây thuốc phiện. Đến năm 2010 Lùng Tám tiếp tục được Craft Link hỗ trợ đợt 2 để tập huấn nâng cao năng lực quản lý sổ sách tài chính, thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nghề dệt lanh tại Lùng Tám đang được thế hệ trẻ tiếp nhận, phát triển |
Theo bà Trần Tuyết Lan - Giám đốc Craft Link, nhóm Mông ở Lùng Tám là dự án hỗ trợ điển hình của doanh nghiệp trong hơn 20 năm đồng hành, hỗ trợ bà con vùng dân tộc thiểu số. “Thành công của dự án không chỉ ở thu nhập, đời sống của bà con được cải thiện mà nhận thức và tính chủ động của người phụ nữ Mông thay đổi từng ngày. Người phụ nữ Lùng Tám không chỉ quanh quẩn với bếp núc, con cái mà đã làm chủ kinh tế, có tiếng nói trong gia đình và cộng đồng”, bà Trần Tuyết Lan nói.
Được biết, để hỗ trợ bà con Lùng Tám, chính quyền huyện Quản Bạ và tỉnh Hà Giang đã đưa Lùng Tám vào tuyến du lịch. Hàng ngày, hợp tác xã thu hút nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan mua sắm, học hỏi truyền thống văn hoá của nhóm. Từ đó hỗ trợ tốt cho bà con tiêu thụ sản phẩm và tăng thêm thu nhập ngay tại cộng đồng.
Đáng nói, nghề dệt lanh truyền thống tại Lùng Tám đang được thế hệ trẻ tiếp nhận và phát triển. Thay vì đi làm xa, cho thu nhập cao hơn nhưng nhiều bạn trẻ đã chọn ở lại địa phương vừa làm du lịch vừa duy trì, phát triển nghề truyền thống.
Với tư duy sáng tạo và chịu khó học hỏi, nghề dệt lanh tại Lùng Tám đang được thế hệ trẻ mang đi giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm nghề thủ công truyền thống; quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Điều này giúp nghề dệt lanh Lùng Tám, văn hóa truyền thống của người Hmong lan tỏa mạnh mẽ. Cũng đồng thời góp sức tạo nên hình ảnh đa màu sắc của đất nước, con người Việt Nam.
Dệt lanh là nét văn hóa độc đáo của bà con dân tộc Mông. Từ xa xưa, tất cả các quần áo của người Mông đều được làm từ vải lanh. Người Mông rất tự hào về các trang phục làm bằng tay của mình và những chiếc váy lanh xếp nhiều ly của phụ nữ thì có vẻ đẹp rất đặc biệt. Vào những dịp tết, lễ hội, chợ phiên, đám cưới mọi người mặc các bộ quần áo đẹp nhất, đây cũng là cơ hội thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ.
Toàn bộ quy trình dệt vải lanh kéo dài đến 7 tháng (từ lúc gieo trồng cho đến khi dệt xong vải) và rất tốn công lao động. Kỹ thuật thêu đắp vải của người Hmong trắng ở Lùng Tám cũng khá lạ. Mặc dù phụ nữ Mông trắng mặc váy xếp đơn giản nhưng phần cổ áo, tay áo và thắt lưng lại được trang trí khá cầu kỳ, thường dùng vải màu trắng và màu đỏ khâu ghép trên nền vải đen. Chỉ khâu được rút từ chính các mảnh vải ghép để không làm lộ các mũi chỉ. Hoa văn thông dụng nhất là hoa văn hình ốc sên với những biến đổi vô cùng phong phú.
Đặc biệt, kỹ năng vẽ sáp ong của người Mông Hoa tại Lùng Tám từng khiến không ít du khách trầm trồ. Phụ nữ Mông Hoa dùng loại bút tre có ngòi bằng đồng để chấm vào sáp ong nóng chảy và vẽ những hoa văn truyền thống trên nền vải lanh trắng. Sau đó, vải được nhuộm chàm nhiều lần trước khi đem luộc để bỏ sáp ong.