Xác định HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã phối hợp với Đảng ủy Bộ tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Chỉ thị và Thông báo kết luận đến các tổ chức đảng và toàn thể đảng viên trực thuộc. Đồng thời Ban cán sự đảng Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp với cấp ủy cùng cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến các tác hại của đại dịch này.
Kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW và Thông báo Kết luận số 27-TB/KL, nhận thức của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng như toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã được nâng cao thông qua ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống đại dịch HIV/AIDS trong phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trực thuộc Bộ đã quan tâm chỉ đạo và tham gia tích cực vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.
Hàng năm, triển khai chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” hoặc chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020” (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90 người nhiễm HIV chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của Bộ đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện. Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ban hành các hướng dẫn gửi Công đoàn các đơn vị trực thuộc thực hiện việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đến toàn thể đoàn viên công đoàn.
Ban chỉ đạo của Bộ đã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thông qua các hình thức như: Biên soạn hàng nghìn tờ rơi, hàng trăm pano, áp phích, băng rôn chuyển đến tận tay đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trực thuộc Bộ; tổ chức 25 hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên các trường Đại học, cao đẳng thuộc Bộ để tuyên truyền công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Tại các hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết ba bên giữa đại diện Ban chỉ đạo của Bộ, đại diện Đoàn thanh niên Bộ và đại diện đơn vị trực thuộc Bộ nội dung “Cam kết phòng, chống ma túy, mại dâm HIV/AIDS trong nhà trường, doanh nghiệp”.
Tại một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ (Viện, Tập đoàn, Tổng công ty), công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên bản tin, tờ rơi, loa phóng thanh, trên các trang thông tin điện tử. Các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ hằng năm tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên; tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu Luật phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, tìm hiểu về HIV/AIDS”; nói chuyện chuyên đề, tư vấn kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS với Chương trình y tế học đường, giáo dục sức khoẻ sinh sản để trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên và đã thu hút đông đảo số lượng học sinh, sinh viên tham gia.
Hầu hết các trường đều xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường - hội phụ huynh - chính quyền địa phương để tổ chức ký kết cam đoan phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm và ma tuý cho sinh viên của trường. Đăc biệt, trong các tháng cao điểm như: Ngày thế giới phòng chống ma tuý (26/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Dân số thế giới (11/7), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12), các hoạt động truyền thông qua hệ thống truyền thanh, phát thanh, truyền hình, trên các báo viết, báo điện tử, phim phóng sự, tọa đàm, trao đổi… đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS.
Các cơ quan báo chí của Bộ đã thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống HIV/AIDS trên cả báo giấy, báo hình và báo điện tử bằng những hình ảnh sinh động, phong phú nhằm tuyên truyền vận động đến mọi cán bộ, công chức và người lao động trong phòng, chống dịch bệnh này.
Qua 15 năm triển khai thực hiện, Bộ Công Thương đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện Chỉ thị tốt hơn trong thời gian tới:
Thứ nhất, các cấp uỷ đảng và chính quyền phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp uỷ đảng, chính quyền.
Thứ hai, cần coi trọng công tác phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, trên cơ sở đó đặt ra các biện pháp dự phòng sát với yêu cầu thực tế của đơn vị về phòng, chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng các giải pháp chỉ đạo, kiểm tra giám sát.
Thứ ba, cần đầu tư kinh phí đúng mức cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và kiên trì thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, năng lực phòng, chống HIV/AIDS trong hệ thống chính trị.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 54-CT/TW, Ban cán sự đảng sẽ phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Bộ Công Thương lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đến mọi đối tượng; kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với tuyên truyền về tác hại, hậu quả và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS; đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm tính thân thiện, có chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng; kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp nhằm huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.