CôngThương - Trong thời gian qua, bằng nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, TTKC & TVPTCN đã hỗ trợ trên 10 tỷ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng và khôi phục các làng nghề truyền thống như: Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Bana ở Vĩnh Thạnh; nghề dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc, dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan Nam (Hoài Nhơn); rượu Bàu Đá Nhơn Lộc (An Nhơn)..., giúp các làng nghề nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ đó, một số nghề đang có nguy cơ mai một đã được phục hồi và phát triển thành làng nghề ở cấp độ cao hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 38 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề, bằng 70% tổng số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Các chương trình khuyến công của tỉnh cũng đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng để du nhập nghề mới, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn. Trong đó, TTKC đã đầu tư trên 2 tỉ đồng đào tạo nghề làm các sản phẩm mỹ nghệ từ bẹ chuối, nghề đan lồng chim, đan bàn ghế nhựa giả song mây… cho gần 4.000 lao động ở An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn...
Ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc TTKC & TVPTCN Bình Định cho biết, để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác khuyến công, TTKC & TVPTCN sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ thành lập mạng lưới khuyến công viên cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công. Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là đến năm 2015, tỉ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn chiếm 38% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới bền vững. Để thực hiện đạt mục tiêu này, trong năm 2013, từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, TTKC & TVPTCN sẽ triển khai 18 đề án khuyến công với tổng kinh phí thực hiện trên 21 tỉ đồng. Các đề án khuyến công này chủ yếu tập trung vào công tác đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn...