Tuyên tuyền, phổ biến, giám sát bảo vệ môi trường
Thực hiện Quyết định số 730/QĐ-UBND tỉnh ngày 14/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình về hỗ trợ các tổ chức đoàn thể tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giám sát bảo vệ môi trường năm 2023.
Bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển lâu bền của đất nước.
Thạc sĩ khoa học môi trường Trần Thị Hoa phổ biến giáo dục pháp luật, giám sát bảo vệ môi trường |
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 14, kỳ họp thứ X thông qua ngày 17/10/2020, với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường và con người…
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận, trao đổi, liên hệ thực tế, giải đáp các vướng mắc của học viên và chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi luật và công tác bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp như: Phân loại và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; Cách sử dụng tái chế chất thải; cải thiện chất lượng môi trường không khí…
Theo Thạc sĩ khoa học môi trường Trần Thị Hoa, Học viện Môi trường Việt Nam đã truyền đạt các nội dung chính của Luật Bảo vệ môi trường: Khái quát về Luật Bảo vệ môi trường 2020, những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường: Phân loại dự án theo các tiêu chí về môi trường; đánh giá sơ bộ tác động môi trường và đánh giá tác động môi trường; đăng ký môi trường; thủ tục cấp Giấy phép môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các Nghị định và Thông tư liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… các vấn đề gặp phải trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật như: Quản lý chất thải rắn, biển cảnh báo an toàn và an toàn lao động trong quá trình thực hiện công việc.
Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường
Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, Thái Bình xác định phát triển các khu công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm tạo môi trường đầu tư bền vững.
Công tác xử lý nước thải tại các KCN được tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm |
Theo ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cho biết: Để xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã được chú trọng triển khai, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp. Đến nay, 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; trong đó, 5 khu công nghiệp đã đưa vào vận hành chính thức, 2 khu công nghiệp đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã chủ động đấu nối nước thải sản xuất và sinh hoạt vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cùng với đó, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải được miễn trừ đấu nối, đã xây dựng và đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải riêng như Công ty TNHH May Texhong Thái Bình công suất 6.000m3/ngày đêm, Công ty TNHH Công nghiệp Shengfang công suất 800m3/ngày đêm, Công ty TNHH Công nghiệp Tactician công suất 800m3/ngày đêm...
Trạm xử lý nước thải ở khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh vận hành từ năm 2012, công suất 4.650m3/ngày đêm, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, một phần khu công nghiệp Phúc Khánh và cụm công nghiệp Phong Phú. Từ tháng 8/2019, trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh được bàn giao cho Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Green Eden Hà Nội quản lý, vận hành.
Ông Nguyễn Việt Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Green Eden cho biết: Sau gần 4 năm tiếp nhận, công ty đã tập trung nguồn lực cải tạo toàn bộ hệ thống xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến. Đồng thời, lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống xử lý nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A - QCVN 40:2011/BTNMT. Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp hoạt động đã đấu nối vào khu xử lý nước thải tập trung, góp phần bảo đảm môi trường xung quanh.
Công ty TNHH Giấy và Bao bì Thái Hiệp Hưng (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh) chuyên sản xuất giấy và bìa carton với 2 nhà máy, sản lượng 30.000 tấn/năm, tạo việc làm cho 150 lao động. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc sản xuất cho biết: Trong chiến lược phát triển, công ty đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý nước thải trong quá trình sản xuất. Vì vậy, công ty đã đầu tư khu xử lý nước thải tuần hoàn với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, công suất 70m3/ngày đêm, đạt cột B trước khi đưa vào hệ thống đấu nối của trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng thực tế công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn gây ô nhiễm cao nếu không được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ. Vì vậy, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, xử lý nước thải trong các khu công nghiệp nói riêng, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng cụ thể hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ môi trường của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn thải, công suất xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao.