Thời gian qua, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Thái Bình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng Việt, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa.
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, sau 15 năm triển khai, các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh đã hưởng ứng mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền và vận động thay đổi nhận thức, hành vi của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất đã được triển khai rộng khắp. Qua đó, sản phẩm hàng hóa Việt Nam ngày càng được quảng bá, giới thiệu sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự ưu tiên của người tiêu dùng đối với hàng nội địa.
Đa số người tiêu dùng tại Thái Bình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt. Ảnh: S.T |
Đặc biệt, nhiều mặt hàng sản xuất tại Thái Bình đã từng bước khẳng định thương hiệu, với tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị và điểm bán lẻ lên tới 75%. Công tác quản lý thị trường cũng được đẩy mạnh, đảm bảo minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Sở Công Thương Thái Bình đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước, gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tỉnh hiện có 2 trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 218 chợ và nhiều cửa hàng tiện ích, trong đó, thị phần hàng Việt Nam tại các siêu thị chiếm trên 80%.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng của tỉnh vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại lớn. Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung - cầu với các siêu thị và doanh nghiệp lớn nhằm quảng bá sản phẩm Việt.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tại Thái Bình cũng nhận định rằng, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục. Công tác tuyên truyền chưa đều khắp, các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại vẫn còn nhỏ lẻ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung lắng nghe và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong việc quảng bá, mở rộng thị trường và chống hàng giả. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín và thương hiệu.