Theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn - tiêu chí số 7 - bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp) đạt chuẩn theo quy định. Để đạt tiêu chí này, mỗi xã phải có chợ nông thôn đạt yêu cầu hoặc các cơ sở bán lẻ khác có thiết kế và trang bị kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, sản phẩm được niêm yết giá… Do vậy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương linh hoạt thực hiện tiêu chí này, giảm áp lực trong huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giúp các địa phương tập trung nguồn vốn hoàn thành các tiêu chí khác.
Hầu hết các mô hình hạ tầng thương mại đều đang phát huy hiệu quả |
Trên cơ sở đó, các xã đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn. Cụ thể, từ sự hỗ trợ của dự án Lifsap, đầu năm 2018, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn đã trích ngân sách 200 triệu và kêu gọi một số hộ kinh doanh tham gia đóng góp nâng cấp chợ Thiều đạt chuẩn theo quy định. Trong khi đó, xã Nga Nhân, huyện Nga Sơn lại không quy hoạch xây dựng chợ mà thực hiện hỗ trợ kích cầu, khuyến khích hộ cá thể đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn; đồng thời, mở hơn 20 cửa hàng tạp hóa khác đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân.
Theo thống kê của Sở Công Thương, trong 3 năm từ năm 2016 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 212 xã được công nhận đạt tiêu chí về hạ tầng thương mại nông thôn. Hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng thương mại đều được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí khoảng 276 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách xã ước 38 tỷ đồng, số còn lại được huy động xã hội hóa từ các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Riêng năm 2018, toàn tỉnh dự tính có 84 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận đạt tiêu chí về hạ tầng thương mại nông thôn.
Để tiêu chí số 7 thực sự mang lại hiệu quả cho các địa phương, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND, quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Kế hoạch 135/KH-UBND của UBND tỉnh về xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm. Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan triển khai công tác an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhất là thiết kế chợ cho phù hợp quy định và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn, bố trí quầy hàng trong chợ; bảo đảm an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ...
Việc linh hoạt thực hiện tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới cùng với việc chủ động triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện… cụ thể cho từng giai đoạn là yếu tố quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn. |