Thưa bà, sau dịch Covid-19 hành vi tiêu dùng đã thay đổi như thế nào?
Qua kết quả khảo sát thị trường được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện cuối tháng 5/2020 và kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Panel về thay đổi thói quen tiêu dùng trong giai đoạn bình thường mới cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu vì họ thấy kiếm đồng tiền khó hơn trước đây. Nhu cầu mở rộng tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 như: Thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay… đến thời điểm này chỉ giảm nhẹ và tiếp tục được người tiêu dùng chú ý. Một số các sản phẩm khác như mỹ phẩm, thời trang hay một số nhu cầu khác như: Chăm sóc sắc đẹp, hoạt động giải trí giảm trong thời gian vừa qua và dự báo tiếp tục giảm.
Đặc biệt, ngoài yếu tố chất lượng cảm nhận như ngon/hợp khẩu vị, chất liệu tốt… vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hay an toàn sử dụng được người tiêu dùng hết sức quan tâm khi chọn mua sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ hay thông tin sản phẩm, các sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tiếp đó là yếu tố thuận tiện cũng trở thành tác nhân thu hút người tiêu dùng. Theo tôi, những thay đổi này khá tích cực.
Tiêu dùng online trong thời gian cách ly bùng nổ ấn tượng. 82% người tiêu dùng được khảo sát có mua online thời gian cách ly xã hội; trong đó 98% cho biết, sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai. Xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến.
Một thông tin nữa chúng tôi muốn chia sẻ đó là theo khảo sát tại các siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh sau một thời gian người tiêu dùng tập trung rất ồn ào mua sắm nhu yếu phẩm thì đến nay doanh số các siêu thị này lại giảm, có khi đáng lo. Trong khi đó, tại các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa t ong khu dân cư hàng hóa lại bán được nhiều hơn.
Vậy vấn đề đặt ra về chất lượng để cung ứng cho người tiêu dùng hiện nay, thưa bà?
Sản phẩm online hiện được cung cấp khá nhiều, và người tiêu dùng mua sắm, thanh toán khá dễ. Những lý do người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến đó là: Sự thuận tiện; hàng hóa phong phú, đa dạng, dễ lựa chọn; nhiều ưu đãi, khuyến mại; giao hàng cũng rất nhanh. Tuy nhiên, kèm theo đó là những lo ngại như: Sản phẩm chất lượng kém; vấn nạn hàng giả, hàng nhái; dịch vụ giao hàng, bảo hành kém; hàng đã giao rồi thì không có cách nào để bắt shipper đổi trả lại. Đã đến lúc, các kênh phân phối online phải thông báo, làm rõ chất lượng hoạt động mạng lưới của mình. Từ đó, để người tiêu dùng yên tâm trong mua hàng hóa online.
Hiện thị trường trong nước là một trong những chiến lược để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, bà nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại rất lớn cả về con người và kinh tế, các thị trường chính như Hoa Kỳ và EU vẫn đang gặp khó, và chưa trở lại bình thường. Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vẫn rất cao và chưa phải là phổ biến cho hàng hóa đi lại ở các châu lục. Tôi cho rằng, phải hết năm 2020, một số thị trường xuất khẩu chính mới phục hồi. Chúng ta đang hy vọng trong tháng 7 thị trường du lịch của châu Âu có thể sẽ được mở cửa dần dần. Như vậy, tốc độ sẽ khá là chậm, việc này một lần nữa khẳng định thị trường nội địa là cứu cánh cho doanh nghiệp Việt.
Việc này theo tôi là tốt. Bởi lẽ, nó giúp doanh nghiệp buộc phải xây dựng lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Và như vậy, cũng có thời gian để củng cố để quay trở lại thị trường xuất khẩu. Tình thế hiện nay buộc các doanh nghiệp phải hiểu người tiêu dùng một cách đầy đủ từ tâm lý, hành vi cho đến các kênh mà họ sẽ lựa chọn, số tiền, rỏ hàng mua ở thời điểm hiện nay.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cần phải hiểu sâu sắc khách hàng mục tiêu của mình. Thiết kế hành trình của khách hàng, kèm theo đó và định vị thương hiệu. Thay đổi kênh bán hàng vì người tiêu dùng giờ không chỉ mua tại một nơi như trước nữa.
Xin cảm ơn bà!