Hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, người dân sẽ mua |
Người dân trung thành với hàng hóa quen thuộc
Cuối năm 2015, tham gia một chuyến đưa hàng Việt về huyện Sóc Sơn – huyện miền núi còn nhiều khó khăn ngoại thành Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, hàng hóa Việt rất được người dân khu vực này yêu thích và chọn mua vì giá cả và chất lượng rất phù hợp với nhu cầu của người dân. Đơn cử như mặt hàng quần áo, DN mang đến phiên chợ hàng Việt về nông thôn rất nhiều sản phẩm có chất lượng với giá cả phải chăng. Một chiếc áo sơ mi, dài tay chỉ có giá khoảng 170.000 - 200.000 đồng/chiếc. Hoặc các sản phẩm nước rửa bát, xà phòng giặt… luôn được bán với giá thấp hơn giá thị trường 5%. Các sản phẩm thiết yếu như lương thực thực phẩm, gia vị…cũng được người tiêu dùng ưa thích với tốc độ tiêu thụ tương đối tốt.
Không chỉ tại phiên chợ, nhiều năm gần đây, hàng Việt đang dần chiếm tỷ lệ cao hơn ở các chợ nông thôn. Chị Nguyễn Thị Thắm – Chủ một gian hàng quần áo tại chợ Phù Lỗ (Sóc Sơn) cho biết: “Gian hàng của tôi chủ yếu bán hàng Việt vì mẫu mã khá đẹp mà giá bán lại phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ khoảng 70 – 80% thì hiện nay chỉ còn khoảng 20% do người tiêu dùng không có nhu cầu mua và sử dụng”. Chị Thắm cũng khẳng định khá cân nhắc khi có DN đề nghị nhập hàng Thái Lan, Hàn Quốc về bán. “Thói quen mua sắm của người dân là khá trung thành với những thương hiệu họ đã quen dùng, nên khi nhập hàng mới cần phải cân nhắc. Do thu nhập còn thấp, người dân khu vực này cũng không cần hàng cao cấp, đắt tiền” – chị Thắm chia sẻ.
Tại khu vực nông thôn, nhiều mặt hàng Việt đang khẳng định vị thế là sản phẩm được người dân ưa chuộng hàng đầu. Các thương hiệu nổi tiếng trong nước đang thắng thế và có chỗ đứng vững chắc như: Sữa Vinamilk và Nutifood, thực phẩm chế biến Vissan; nước mắm và nước tương Chinsu; bánh kẹo Quảng Ngãi, Bibica, Phạm Nguyên, Kinh Đô và nhiều thương hiệu khác…
Giữ chất lượng để chiếm lĩnh thị trường
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, việc khai thác thị trường nông thôn không dễ dàng. Theo đánh giá của các DN khi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, muốn chắc chân ở thị trường này, DN phải đầu tư về con người và thời gian. Bởi lẽ, đặc trưng của vùng nông thôn là địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhỏ, sức mua không đồng đều.
Kinh nghiệm thực tế tại một số DN thành công ở khu vực nông thôn như Vinamilk, Nutifood, Vissan cho thấy, các DN này đều bố trí lực lượng “nằm vùng” tại các vùng miền để làm công tác tiếp thị, quảng cáo. Ban đầu, những sản phẩm của công ty được gửi tại các cửa hàng nhỏ lẻ với số lượng ít. Khi được người dân tin tưởng, lượng hàng gửi sẽ lớn hơn. Với các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, giấy Sài Gòn, chủ các thương hiệu này đã khẳng định là họ thành công từ việc bán hàng theo dạng “đánh du kích” từ khu vực các tỉnh, thành cũng như ngoại thành của các thành phố lớn, sau đó mới tập trung “đánh hàng” vào nội thành.
Từ những thành công đó, để chiếm lĩnh tốt thị trường nông thôn, các chuyên gia cho rằng, DN buộc phải đưa sản phẩm xuất hiện thường xuyên trên các quầy kệ để bà con nhìn thấy được. Việc tối kỵ là DN không được để “đứt” hàng. Sở dĩ sản phẩm của một số DN Việt Nam đã từng chiếm lĩnh thị trường nhưng rồi lại bị rơi vào tay các đối thủ nước ngoài là do không đảm bảo nguồn hàng thông suốt. DN cũng được khuyến cáo cần mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, tránh tình trạng hàng hóa đã được bà con lựa chọn nhưng không giữ được thị trường lâu dài.
Tại khu vực nông thôn, nhóm các mặt hàng tiêu dùng nhanh (như xà bông, nước xả, dầu gội), hàng thực phẩm và thực phẩm công nghệ Việt chiếm tuyệt đại đa số, thậm chí có nơi là 100%.