Nguồn cung giảm
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhận định, nguồn cung thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ càng khó khăn, suy giảm. Dẫn chứng báo cáo tổng hợp mới đây của Hội môi giới BĐS ông Nam cho hay, lượng chung cư, căn hộ, biệt thự tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đưa ra thị trường đã giảm chỉ còn khoảng 70% so với quý IV/2018. Tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng giấy phép xây dựng giảm 16%, có 150 dự án bị dừng lại kiểm tra, rà soát.
Nguồn cung trong thời gian tới sẽ suy giảm |
Cùng chung đánh giá, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2019, nguồn cung về BĐS nói chung giảm so với 2018, đặc biệt giảm về số lượng căn hộ có giá trung bình. Trong khi đó, một số BĐS giá cao lại tăng, đặc biệt là loại BĐS giá 200 - 300 triệu/m2 xuất hiện tại một số thành phố lớn.
Cũng theo ông Khởi, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua vẫn chậm, mặc dù Chính phủ, Quốc hội có nhiều chính sách kịp thời. Đến nay cả nước mới phát triển nhà ở xã hội đạt khoảng 33% so với nhu cầu.
Cầu còn lớn
Theo ông Nam, điểm mạnh nhất của thị trường BĐS Việt Nam là sức cầu và thanh khoản rất lớn. Thống kê của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, những nước người dân có thu nhập trung bình hàng năm từ 1.000 -10.000 USD thường dùng để mua nhà và Việt Nam đang nằm trong khoảng đó. "Về trung và dài hạn thị trường BĐS vẫn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hoá còn độ mở rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thôn sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà. Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng" - ông Nam nhìn nhận.
Trong xu thế nguồn cung thị trường BĐS nhà ở đã phát triển tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp đã hướng sang thị trường BĐS du lịch, công nghiệp, văn phòng cho thuê… Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là mảng BĐS mà thị trường thời gian tới sẽ rất cần, nhất là trong tiến trình hội nhập với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ vào Việt Nam đầu tư.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, cơ hội đầu tư BĐS du lịch và BĐS công nghiệp vẫn cao trong cả nước. Đầu tư nước ngoài quý I/2019 tăng 35% so với 2018, hay chính sách thu hút đầu tư của các địa phương đặt ra rất rõ; đặc biệt tác động từ thế giới. Trong 4 tháng đầu năm, lĩnh vực BĐS du lịch có nhiều dự án được quan tâm tại một số tỉnh có tiềm năng về du lịch. Với BĐS nhà ở vẫn tập trung phân cấp nhà ở xã hội khi còn tới 70% nhu cầu.
Tuy lượng cung mới ở một số phân khúc giảm nhưng lượng tồn còn tương đối nên nhiều chuyên gia nhận định, thị trường BĐS những tháng cuối năm sẽ không có biến động lớn.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở vẫn còn cơ sở để phát triển. Trong khi đó, BĐS du lịch vẫn chưa có pháp lý để phát triển, trong khi giải quyết vấn đề này không phức tạp. |