Chiều ngày 28/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn và kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La tại huyện Mai Sơn.
Với quy mô 1.800 ha, vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót sản xuất tập trung các loại cây ăn trái gồm: Xoài, nhãn, mận hậu, thanh long, là vùng nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại xã Hát Lót |
Còn Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Giao tại huyện Mai Sơn có diện tích gần 9 ha là tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc, nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, nhà máy chế biến rau quả, đồ hộp công nghệ Italy, Nhật Bản, Đức, sử dụng nguồn nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La.
Báo cáo Thủ tướng thông qua mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại xã Hát Lót, người dân tại đây cho biết, hiện có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình hợp tác xã trồng xoài với diện tích hơn 70 ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng mỗi ha, cao hơn khoảng 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía…
Tới thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hát Lót còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành |
Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu, có bước bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi với việc đổi mới tư duy, "đưa cây ăn quả lên sườn dốc".
Sơn La đã thay đổi rất nhiều, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Theo đó, việc "đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên đất, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng biểu dương người dân nơi đây đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.
Bà con cho biết, một "bí quyết" để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ kỹ thuật ghép mắt |
Điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện đời sống người dân. Không chỉ giúp bà con khấm khá hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…
Như bà con chia sẻ, "trước kia trồng ngô thì đá cứ cao lên mãi" do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Bà con cũng cho biết, một "bí quyết" để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ kỹ thuật ghép mắt. Theo đó, bà con sử dụng gốc cây xoài bản địa rất khỏe và thích ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây, ghép với mắt của giống xoài mới cho quả to hơn, ngon hơn, đẹp hơn.
Nhờ tư duy đột phá, đổi mới, Sơn La đã tạo động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế và cải thiện đời sống của người dân |
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan tổng kết những bài học kinh nghiệm từ mô hình này. Theo đó, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu đi cùng việc cơ cấu lại cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, phát triển thị trường, chú trọng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề luôn phải đặt ra để hỗ trợ người nông dân.
Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình sản xuất, chế biến mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung.