Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020, địa phương bắt đầu tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 76 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao (23,7%), 54 sản phẩm đạt 3 sao (71,1%), 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng.
Du khách tham quan, mua sắm tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại thành phố Huế (Ảnh: N.T) |
Ngoài ra, đã hình thành một số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (huyện Quảng Điền 2 điểm, thành phố Huế 2 điểm, Phú Vang có Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...). 4 sản phẩm du lịch nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Khu du lịch cộng đồng Anor tại huyện A Lưới; du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông; du lịch sinh thái Suối Tiên tại huyện Phú Lộc; dịch vụ du lịch công đồng Ngư Mỹ Thạnh).
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp, Công Thương và các ngành liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP. Thông qua các hoạt động đã giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, nông đặc sản của tỉnh, trong đó điểm nhấn là sản phẩm OCOP; tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP có tiếp cận, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác đầu tư.
Năm 2023, các sản phẩm OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia trưng bày tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định (trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận); tổ chức Không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Công viên Thương Bạc Huế thu hút hơn 20 chủ thể OCOP của tỉnh tham gia; phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và các kols nổi tiếng để livestream một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh trên kênh Chợ Phiên OCOP.
Tham gia chuỗi các hoạt động tại Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 tại Hà Nội, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, đã hỗ trợ làng nghề dệt Dèng A Lưới quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử Tiktok “Chợ phiên OCOP”…
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Hồ Đăng Khoa – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế - cho biết, kinh phí dành cho hoạt động giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh từ 250 – 300 triệu đồng/năm. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Sản phẩm mây tre đan Bao La được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, kết nối cung cầu sản phẩm (Ảnh: NT) |
Ông Võ Văn Dinh - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã mây tre đan Bao La (huyện Quảng Điền) chia sẻ, hiện nay ngoài các hoạt động giới thiệu sản phẩm trên trang web của đơn vị thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm thì mỗi năm cơ sở được hỗ trợ tham gia 6-7 đợt giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu diễn ra trên cả nước.
“Thông qua các chương trình này, sản phẩm của đơn vị được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến với thị trường và đã có nhiều khách hàng tìm đến với chúng”, ông Dinh cho biết thêm.
Là một trong những người đầu tiên mở cửa hàng giới thiệu, buôn bán sản phẩm OCOP tại thành phố Huế, ông Mai Quốc Bảo – Giám đốc Công ty Vang Bạch Mã cho biết, thông qua các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành Công Thương, Nông nghiệp, sản phẩm trà vả Lộc Mai (sản phẩm OCOP 4 sao, đang đề xuất 5 sao) được tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ trong toàn quốc. Qua các hội chợ này, hàng hoá của mình có cơ hội tiếp cận với các siêu thị, nhà cung ứng hàng hoá. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi đã có trên kệ hàng của hệ thống Big C, siêu thị Con Cưng trên toàn quốc.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hồ Đăng Khoa cho biết, mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều sản phẩm có lợi thế, tuy nhiên một số sản phẩm OCOP các địa phương tương tự nhau và tỉnh khác cũng có sản phẩm; chưa tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu, cải tiến mẫu mã, bao bì và công nghệ sản xuất để gia tăng giá trị từ lợi thế sản phẩm cộng đồng.
Nguồn lực chương trình OCOP chủ yếu từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên không hỗ trợ cho chủ thể ở địa bàn đô thị (phường, thị trấn) dẫn đến các chủ thể có thương hiệu, có thị trường thiếu động lực để tham gia… Nguồn lực hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP còn hạn hẹp, các chủ thể và đơn vị nghề, làng nghề nhu cầu cần kết nối quảng bá xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ, phát triển kinh tế và lan tỏa đến người tiêu dùng, vẫn còn nhiều người chưa biết đến sản phẩm OCOP...
“Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng hơn số lượng, ưu tiên sản phẩm mang tính đặc trưng Huế, phù hợp làm quà lưu niệm, quà tặng”, ông Hồ Đăng Khoa nhấn mạnh.