Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII tổ chức lần thứ tám, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (diễn ra ngày 16-17/7), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, 6 tháng đầu năm tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP ước đạt 19.599,3 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ; xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, xếp thứ 36/63 tỉnh/thành cả nước.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các sở, ban, ngành khảo sát phương án mở rộng tuyến đường cao tốc đi quan địa bàn tỉnh (Ảnh: H.M) |
Quy mô nền kinh tế 37.935,5 tỷ đồng, trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 6,95%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,22%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 2,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,53%…
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 6.001,6 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán, bằng 44,1% so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tổng chi NSNN ước đạt 6.198 tỷ đồng, bằng 39% dự toán. Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 13/6/2024 là 1.802,203 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 28,8% kế hoạch…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, dù đạt được nhiều kết quả, song tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đang gặp phải những khó khăn, hạn chế. Đó là mức tăng trưởng vẫn chưa đạt theo kế hoạch; công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án (DA) nhà ở xã hội…
“Các nguyên nhân dẫn đến khó khăn đó là, một số quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; chênh lệch giữa giá bồi thường áp theo khung quy định của nhà nước so với giá đất trên thị trường đã ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp; giá cả vật liệu tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có mặt còn hạn chế”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình thông tin, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện NQ số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, NQ 83/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển ngành. Trong đó, tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu 6 tháng cuối năm thu hút thêm 7 - 10 dự án công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, nông sản và một số dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công các hoạt động lễ hội trong khuôn khổ Chương trình Festival Huế, trọng tâm là lễ hội “Huế vào thu” và “Mùa đông xứ Huế”. Tổ chức hội nghị đối thoại, xúc tiến du lịch năm 2024. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia…