Thủy điện Huội Quảng góp phần chống lũ vào mùa mưa |
Thêm nguồn điện sáng
Công trình Thủy điện Bản Chát và Huội Quảng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, thuộc dự án nhóm A, khi hoàn thành toàn bộ sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện trung bình hàng năm 3,062 tỷ kWh; trong đó, Thủy điện Huội Quảng 1,904 tỷ kWh và Thủy điện Bản Chát 1,158 tỷ kWh (có tính đến gia tăng cho Thủy điện Sơn La và Hòa Bình).
Trong quá trình triển khai hai công trình này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho các dự án do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và rủi ro thiên tai, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị trên công trường đã từng bước khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng công trình. Thủy điện Bản Chát phát điện tổ máy 1 vào tháng 2/2013, phát điện tổ máy 2 tháng 5/2013. Ngày 31/12/2015, tại huyện Than Uyên (Lai Châu), Nhà máy Thủy điện Bản Chát đã được khánh thành và phát điện tổ máy số 1 Thủy điện Huội Quảng. Tiếp đến, cuối tháng 6/2016, tổ máy số 2 Thủy điện Huội Quảng có công suất 260MW đã hòa điện lần đầu thành công vào lưới điện quốc gia.
Thủy điện Huội Quảng đi vào hoạt động sớm tạo nên hiệu quả rất lớn, tận dụng được nguồn nước với dung tích hữu ích 1,7 tỷ m3 nước của hồ Thủy điện Bản Chát. Nhà máy Thủy điện Huội Quảng gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 520MW (2 x 260), là nhà máy thủy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam thiết kế, thi công với 2 hầm dẫn nước ngầm trong lòng núi, mỗi đường hầm dài 4,2km, đường kính 7,5m, máy phát điện được đặt ngầm trong núi. Đây là một trong những công trình lớn, thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Đà, sau Thủy điện Sơn La (2.400MW), Thủy điện Hòa Bình (1.920MW) và Thủy điện Lai Châu (1.200MW). Có thể nói, nguồn năng lượng của dòng Nậm Mu đã góp phần quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Công trình Thủy điện Bản Chát và Huội Quảng là dây chuyền sản xuất điện đồng bộ, hiệu quả; không chỉ cung cấp trực tiếp điện cho các tỉnh khu vực Tây Bắc và miền Bắc mà còn tham gia chống lũ mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho Đồng bằng Bắc bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Đây cũng là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, kích thích kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm, đóng góp thêm vào nguồn ngân sách hàng năm của địa phương, góp phần phát triển và thay đổi cơ cấu kinh tế các tỉnh Lai Châu và Sơn La.
Cán bộ, kỹ sư vận hành Nhà máy Thủy điện Bản Chát thông qua hệ thống điều khiển điện tự động |
Đơn cử như huyện Than Uyên là địa phương có nhiều xã, bản nằm ven vùng lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn, đã mở cơ hội cho người dân tận dụng lợi thế phát triển kinh tế ổn định. Theo đó, bà con đã triển khai thí điểm các mô hình, dự án nuôi cá lồng. Nếu mô hình này thành công sẽ “tạo bản lề” cho nhân dân kết hợp giữa đầu tư nuôi trồng với khai thác thủy sản ổn định. Sản lượng đánh bắt không chỉ bảo đảm đời sống gia đình mà còn cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng huyện Than Uyên và các vùng lân cận.
Là người gắn bó với thủy điện nhiều năm, ông Đặng Việt Thắng - Giám đốc Công ty Thủy điện Huội Quảng - cho biết: Với những thành quả đạt được trong thời gian qua và ý thức được trách nhiệm đối với EVN khi được giao quản lý vận hành 2 nhà máy thủy điện lớn, công ty sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu để phát huy cao nhất hiệu quả Thủy điện Bản Chát và Huội Quảng. Qua đó, đóng góp phần không nhỏ vào nguồn điện quốc gia, bảo đảm nguồn điện phục vụ an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, việc chú trọng đầu tư thủy điện sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, gia tăng nguồn lực hấp dẫn các nhà đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, cơ hội phát triển nghề mới trong tương lai… Đặc biệt, lợi ích thiết thực nhất, dễ nhận thấy nhất là thông qua công tác di dân, tái định cư gắn với quy hoạch phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản trên các khu tái định cư thủy điện, du lịch lòng hồ…, đã góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân vùng Tây Bắc.
Lai Châu là tỉnh có tiềm năng lớn về thủy điện, bởi vậy, việc xây dựng và phát triển các công trình thủy điện là bước đi đúng đắn, hiệu quả trên chặng đường xây dựng một tỉnh mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội. |