Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương Tiền Giang đã triển khai kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, góp phần thực hiện chủ trương bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Ngành Công Thương Tiền Giang đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 |
Ông Đặng Văn Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang - cho biết, đến thời điểm này, nguồn hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết Nhâm Dân 2022 được chuẩn bị đầy đủ với nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ gần 402 tỷ đồng, trong đó có hơn 97 tỷ đồng hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu được 8 đơn vị, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tham gia dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bao gồm: Hơn 900 tấn gạo các loại; hơn 506 tấn đường các loại; 698 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại; dầu ăn các loại hơn 863 nghìn lít; thịt gia súc, gia cầm gần 100 tấn…
DN thực hiện việc dự trữ, cung ứng đối với mặt hàng nông sản, nhất là mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm phải đảm bảo hàng hóa, phải qua kiểm dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa vào lưu thông trên thị trường.
Nhằm đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường, cân đối cung cầu và nhân dân hưởng lợi từ chủ trương, chính sách về an sinh xã hội dịp Tết Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương Tiền Giang yêu cầu các đơn vị tham gia bình ổn trị trường Tết phải chú trọng các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, nhân dân ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị, cơ sở kinh doanh tham gia bình ổn thị trường phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, chất lượng an toàn với giá cả hợp lý cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt trong những thời điểm thiếu hàng và giá tăng cao.
Đáng chú ý, Sở Công Thương vận động thêm các DN hoạt động thương mại, các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng hình thức tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, bán hàng lưu động hay chương trình đưa hàng Việt về khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn. …
Đồng thời khuyến khích các đơn vị bán hàng với giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng chủng loại tại thời điểm đăng ký. Mỗi đơn vị có ít nhất 1 điểm bán lẻ hàng hóa bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, niêm yết giá công khai từng mặt hàng thiết yếu diện bình ổn. Do đó, khả năng thiếu hàng, sốt giá dịp Tết sẽ khó xảy ra. Tuy nhiên, sức mua của thị trường Tết năm nay rất khó đoán định, do tình hình kinh tế, tác động của dịch bệnh.
Sức mua khó tăng
Theo ghi nhận, đến thời điểm này các đơn vị, DN bán lẻ trên địa bàn Tiền Giang đã chuẩn bị dự trữ đầy đủ hàng hóa, sẵn sàng phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nhâm Dần, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, đồng thời cam kết không tăng, giữ ổn định giá và hàng hóa đều niêm yết giá đầy đủ.
Hàng hóa dồi dào, phong phú đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Nguyễn Văn Võ - Giám đốc Co.opmart Cai Lậy (Tiền Giang) - cho biết, siêu thị đã phối hợp với các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa theo kế hoạch chung về dự trữ, cung ứng hàng hóa mà Co.opmart Cai Lậy đã đăng ký với Sở Công Thương Tiền Giang (dự trữ hàng hóa 40 tỷ đồng). Tính đến thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ trong kho của siêu thị đạt 80%, 20% còn lại là mặt hàng tươi sống sẽ bổ sung hàng ngày.
Do tình tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên lượng hàng hóa dự kiến dự trữ bằng năm trước. “Thời điểm này so với năm 2020 sức mua đang thấp hơn 10 -20%. Tết năm nay, giá cả hàng hóa bình ổn không tăng, các nhóm thịt gia súc, gia cầm đang giảm 10% so với trước đây. Những ngày cuối năm, từ ngày 26-29 Tết - siêu thị sẽ giảm giá sâu 10-30% các mặt hàng thiết yếu để chia sẻ với bà con” - ông Nguyễn Văn Võ chia sẻ.
Bên cạnh kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ được tăng cường.
Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh, Cục Quản lý thị trường thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thuộc ngành Công Thương quản lý để kịp thời thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có hành vi vi phạm, nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết cho nhân dân.
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Tiền Giang cung ứng khoảng 27 nghìn tấn rau màu, gần 85 nghìn tấn trái cây các loại, hơn 1 triệu giỏ hoa kiểng, khoảng 4.000 tấn thịt lợn, 1.200 tấn tôm, 500 tấn nghêu, 2.000 tấn cá tra thương phẩm và 500 tấn cá điêu hồng… phục vụ nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh. |