UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có Báo cáo số 6063/UBND-DA ngày 8/10/2024 gửi Bộ Tài chính về báo cáo phục vụ đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt.
Cụ thể, theo dự thảo Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ), xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn năm 2026 - 2030 khoảng gần 62,59 tỷ USD (tương đương khoảng 1.502.207 tỷ đồng), bao gồm nhu cầu vốn cho Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh là 21,755 tỷ USD (tỷ lệ khoảng 34,76%).
TP. Hồ Chí Minh đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách để thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Ảnh: Sỹ Đồng |
UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, số vốn cần để thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị của thành phố là rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của thành phố. Do số vốn thực hiện đề án, dự án thành phần rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của thành phố. “Do đó, khi thực hiện thống kê về tỷ trọng vốn đầu tư công phân bổ theo từng lĩnh vực của thành phố, tỷ trọng phân bổ vốn cho ngành giao thông đường sắt sẽ tăng cao đột biến, không phản ánh được tổng thể việc cân đối phân bổ nguồn vốn đầu tư công hài hòa cho các lĩnh vực khác (như y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, môi trường, khoa học công nghệ…) phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, giải quyết các vấn đề bức xúc, nhu cầu thiết yếu của người dân về an sinh, xã hội”, UBND TP. Hồ Chí Minh nêu.
Trong khi đó, nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp của thành phố không thể đáp ứng nên cần phải huy động bổ sung thêm dưới nhiều hình thức khác, trong đó có huy động từ nguồn vốn vay.
Để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn, tiến độ đầu tư cấu hình hạ tầng đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, Kết luận số 49-KL/TW đã xác định quan điểm: “Huy động tối đa nguồn lực, tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài; Ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá” và “ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất, nguồn lực bên ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt”.
UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, số vốn cần để thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị của thành phố là rất lớn. Ảnh: Sỹ Đồng |
Các khoản tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (hiện nay trung ương: 79%, thành phố: 21%); phần tăng thu của trung ương (phần 79%) sẽ điều tiết về ngân sách trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách theo quy định tại Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Trên cơ sở đó, để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố để thực hiện đề án.
“Việc TP. Hồ Chí Minh giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương nêu trên vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương theo dự toán thu được Quốc hội giao. Toàn bộ nguồn tăng thu nêu trên chỉ được sử dụng cho mục đích thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị”, UBND TP. Hồ Chí Minh nêu.
Dự kiến về nhu cầu, cơ cấu nguồn vốn dự án của TP. Hồ Chí Minh theo từng giai đoạn như sau: Nhu cầu vốn giai đoạn 2026 - 2030 là 22,3 tỷ USD, trong đó nguồn ngân sách thành phố: 7,18 tỷ USD (chiếm 32,2%); Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương: 6,88 tỷ USD (chiếm 30,9%); trung ương hỗ trợ (dự kiến): 6,48 tỷ USD (chiếm 29%); vốn BT trả chậm: 1,76 tỷ USD (chiếm 7,9%). Nhu cầu vốn giai đoạn 2031- 2035 là 15,15 tỷ USD, trong đó nguồn ngân sách thành phố: 9,54 tỷ USD (chiếm 63%); trung ương hỗ trợ (dự kiến): 3,19 tỷ USD (chiếm 21,1%); vốn BT trả chậm: 2,41 tỷ USD (chiếm 15,9%). |