Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại VEPF 2016 |
Thanh toán điện tử tăng nhanh nhưng chưa như kỳ vọng
VEPF là sự kiện thường niên, quy mô lớn đầu tiên về thanh toán điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện này cũng là cơ hội để các bên liên quan nói lên tiếng nói nhằm tác động tới sự thay đổi chính sách về thanh toán điện tử. VEPF 2016 quy tụ khoảng 500 đại biểu đến từ Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, các hiệp hội và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông, bán lẻ, thương mại điện tử, công nghệ thông tin...
Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, một phần thành công đã đạt được về thanh toán điện tử thời gian qua cũng nhờ vào Diễn đàn thanh toán điện tử. Những cam kết liên Bộ tại diễn đàn năm 2015 được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, đã có trên 96% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tăng cường năng lực tiếp cận ngân hàng của nền kinh tế... và rất nhiều ứng dụng qua mạng đã được triển khai, đưa đến người dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng vẫn còn nhiều vướng mắc cần khắc phục và cải thiện. Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử từ nay đến năm 2020. Dù kết quả thực hiện còn khiêm tốn nhưng được cộng đồng quốc tế đánh giá có bước tiến. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là, việc triển khai hiện vẫn còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với người dân, do chưa có giải pháp thay đổi thói quen dùng tiền mặt.
“Hiện có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ và các cơ quan công quyền phải cung cấp cho người dân. Nhưng đến lúc này có chưa đến 1.200 dịch vụ được cung cấp ở cấp độ 4 (có sử dụng thanh toán điện tử), tức là chưa tới 1%. Đây là một con số rất đáng suy ngẫm” - Phó Thủ tướng nói.
Tại VEPF 2015, các Bộ: Công Thương - Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ký Thỏa thuận ghi nhớ liên bộ về Chương trình hành động thúc đẩy nộp thuế điện tử, thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ. Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều kết quả đã được triển khai sau thoả thuận hợp tác này.
Về phía Bộ Công Thương, năm 2016 đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020. Trong đó, xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia và các tiện ích thanh toán tích hợp là một nội dung quan trọng được phê duyệt để thúc đẩy thanh toán điện tử.
Năm 2016 này, Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy áp dụng hóa đơn điện tử trong thương mại điện tử và thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, theo ông Tiên, trong quá trình triển khai các nội dung tại Thỏa thuận hợp tác liên Bộ vẫn còn tồn tại một số vấn đề như việc kết nối hệ thống thanh toán của kho bạc nhà nước và hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước chưa thông suốt. Các ngân hàng thương mại tuy đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng mạng lưới khách hàng, nhưng nhìn chung hạ tầng phục vụ thanh toán phân bố chưa đều. Giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS chưa nhiều, nhất là thanh toán thẻ nội địa; thực tế triển khai cũng còn những bất cập, cần xử lý, như vẫn còn tình trạng một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán bằng thẻ; một số đơn vị bán hàng còn chưa mặn mà với việc thanh toán bằng thẻ do không muốn minh bạch doanh thu bán hàng,… nên chưa góp phần được nhiều trong việc giảm thanh toán bằng tiền mặt.
Nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử
Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas - cho biết, với tư cách là đơn vị chuyển mạch, năm 2016 cơ quan này đã thực hiện giao dịch chuyển mạch tăng 150% so với 2015, giao dịch liên ngân hàng có tốc độ tăng trưởng 60%. Dù hiện nay vẫn còn nhiều bấp cập nhưng những con số kia phần nào đã thể hiện được niềm tin của người dân về thanh toán điện tử. Trong năm tới, cơ quan này sẽ tổng kết đánh giá và trình Ngân hàng Nhà nước kết quả thực hiện liên quan thanh toán điện tử.
Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đang phối hợp với Công ty NAPAS để phát triển Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia; Hỗ trợ thanh toán điện tử cho dịch vụ hành chính công; Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; Phát triển thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ
Ông Bùi Quang Tiên kiến nghị: Bộ Tài chính cần đề xuất các chính sách về thuế nhằm khuyến khích phát triển nộp thuế điện tử, thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và tại các điểm bán lẻ. Bộ Công Thương xây dựng và ban hành các chính sách, chương trình thúc đẩy thương mại điện tử và phát triển thanh toán điện tử. Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thanh toán qua ACH; Chỉ đạo Công ty NAPAS xây dựng Hệ thống ACH; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuyển mạch tài chính để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và nộp thuế điện tử.
Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết: Lãnh đạo Tổng cục Thuế sẽ từng bước khắc phục vấn đề này. Ngoài cải tiến hệ thống mạng, Tổng cục Thuế sẽ đẩy mạnh xã hội hoá thu thuế điện tử. Bên cạnh việc thu thuế điện tử với doanh nghiệp, từ tháng 11/2016 Tổng cục Thuế đã bắt đầu thí điểm triển khai thu thuế điện tử cá nhân và sẽ mở rộng vào cuối quý I, đầu quý II/2017.