Năm 2024, An Giang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 325 triệu USD Tiền Giang: Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng và bứt phá ấn tượng |
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 4 năm 2024 diễn ra chiều ngày 3/5, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, làm gia tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi, trong đó sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ đã có sự chuyển biến tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 4 năm 2024, diễn ra chiều ngày 3/5 (Ảnh: Thanh Minh). |
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng 5,1 % so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,6%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 18,6%; ngành cơ khí tăng 5,4%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 3,5%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 7,8%.
Đáng chú ý, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cảng TP. Hồ Chí Minh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 69% so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: Thanh Minh). |
Trong đó, khu vực thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất là 59,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cảng TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu qua thị trường châu Á đạt 7,5 tỷ USD, tăng 80,6%. Tiếp theo khu vực thị trường châu Mỹ đạt 2,6 tỷ USD, tăng 57,2% và chiếm tỷ trọng 20,5%; khu vực thị trường châu Âu đạt 2 tỷ USD, tăng 56,7% và chiếm tỷ trọng 15,8%. Còn khu vực thị trường châu Phi đạt 202,6 triệu USD, tăng 46,1% và chiếm tỷ trọng 1,6%...
Theo đánh giá của ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng tích cực sau khi thích ứng với những biến động lớn của thị trường thế giới trong các năm 2022-2023 và đơn hàng xuất khẩu tăng lên.
Trong đó, một số mặt hàng, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao kỷ lục. Đơn cử máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 113,4%; hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, tăng 40,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt gần 913 triệu USD, tăng 40,6%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt hơn 241 triệu USD, tăng 47,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 175,6 triệu USD, tăng 80,3%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt 141,8 triệu USD, tăng 47,7%...
Cũng theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong các nhóm ngành xuất khẩu, các sản phẩm xuất khẩu thuộc nhóm ngành công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành này đạt 9,5 tỷ USD, tăng 75,2%.
Bên cạnh đó, các sản phẩm xuất khẩu nhóm nông - lâm - thủy sản cũng bứt phá và đạt 2 tỷ USD, tăng 67,8%, chiếm tỷ trọng 16,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó một số mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, gồm: Gạo đạt 597,3 triệu USD, tăng 74,5%; hàng rau quả đạt 384,5 triệu USD, tăng 56,4%; cà phê đạt 376,8 triệu USD, tăng 94,3%; hàng thủy sản đạt 285,6 triệu USD, tăng 47,6%...
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh). |
Nhìn chung, những tháng đầu năm 2024 hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan và cho thấy các khó khăn thời gian vừa qua cơ bản được khắc phục, có khởi đầu tốt hơn. Đặc biệt, kết quả trên cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội của thị trường, điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm.
Mặc dù xuất khẩu trên đà hồi phục và bứt phá ấn tượng, song Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tình hình thế giới vẫn còn nhiều biến động, do đó hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn phải đối diện với nhiều rủi ro và các thị trường ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững, cùng với đó xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra trong năm 2024 và nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh mong muốn cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải phối hợp, tận dụng tốt các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm…), các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và chính sách hiện có để mở rộng, phát triển đa dạng các chủng loại hàng hóa. Qua đó, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng hàng xuất khẩu (chuyển từ sản xuất gia công, lắp ráp sang sản xuất thiết kế, chế tạo), tăng tỷ lệ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước (xuất khẩu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn).
10 thị trường có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao nhất của TP. Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2024, bao gồm: Trung Quốc đạt 2,8 tỷ USD, tăng 134,3%; Hoa Kỳ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 62,1%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 1,1 tỷ USD, tăng 135,7%; Nhật Bản đạt 788,6 triệu USD, tăng 37,5%; Hàn Quốc đạt 575,7 triệu USD, tăng 34,8%; Hà Lan đạt 515,9 triệu USD, tăng 60,6%; Philippines đạt 366 triệu USD, tăng 62%; Indonesia đạt 297 triệu USD, tăng 71,2%; Đức đạt 276,4 triệu USD, tăng 44,8%; Malaysia đạt 268,4 triệu USD, tăng 70%. |