Mời doanh nghiệp tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Anh 2022 Hàng Việt thích ứng ‘tiêu chuẩn xanh’ của thị trường EU |
Số hóa giúp hàng Việt Nam phủ diện rộng
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh đã tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân thành phố, đây là một thử thách và rào cản lớn trong công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thông tin tại Hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 của TP. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 6/5/2022, ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cho biết, trong năm 2021, các cấp chính quyền thành phố đã quán triệt sâu sắc nội dung Cuộc vận động, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp.
Cụ thể, công tác phát triển hệ thống phân phối, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường năm 2021 - 2022, hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Từ đó giúp cộng đồng xã hội đã có nhiều thay đổi thói quen chọn hàng Việt Nam thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực ngành hàng công nghiệp tiêu dùng, thời trang, thực phẩm các loại và nhu yếu phẩm. Tới nay, kênh phân phối tại chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa có tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90% còn tại các trung tâm thương mại, hàng Việt cũng có tỷ lệ khoảng 80%.
Đáng chú ý, trong giai đoạn TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, nhiều mô hình sáng tạo chăm lo an sinh xã hội được nhân rộng, như: ATM gạo, “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị mini 0 đồng”, “chợ nghĩa tình”, “Bếp yêu thương", “Rau sạch nghĩa tình - San sẻ yêu thương”, “Đi chợ giúp hội viên, phụ nữ”… đã lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Những hoạt động này vừa thể hiện tính nhân văn, nghĩa tình của người dân thành phố lại vừa là cơ hội để hàng Việt phủ diện rộng.
“Trong năm vừa qua, doanh nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cũng là dịp phát huy sáng tạo ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị để thích ứng. Hơn thế, người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt”- ông Ngô Thanh Sơn đánh giá.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dù chịu tác động nặng nề của đại dịch nhưng vẫn miệt mài sáng tạo để hàng Việt lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng cũng như vươn ra thế giới, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh - cho biết: Năm 2021 công ty đã phải đối mặt với việc nhiều nhà cung cấp giảm hoặc ngưng cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất; Nguyên vật liệu nhập khẩu bị đứt gãy hoặc quá chậm trễ kéo dài thời gian do logistic gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối nội địa cũng giảm sút do nhiều kênh phân phối không còn hoạt động. Tuy vậy chính sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo cho công ty thúc đẩy tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa để sản xuất.
“Chúng tôi đã chuyển sang sử dụng các loại nước cốt chanh dây, xoài, vải được chế tạo ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường sản xuất các loại đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên như: nước chanh muối, yến sào nha đam, nha đam đường phèn, nước tăng lực nha đam, nước tăng lực thạch dừa... Điều đặc biệt là các sản phẩm này vẫn giữ được chất lượng không thua kém với nguyên liệu nhập khẩu”- ông Hiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp với bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố |
Dưới góc độ nhà phân phối, năm vừa qua, Saigon Co.op cho biết đã ứng dụng khoa học, công nghệ theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể là ứng dụng thanh toán không tiền mặt, giao dịch không tiếp xúc, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng điện toán đám mây,… nhằm cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại hơn, tiện lợi hơn, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ và gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.
“Năm 2021 Saigon Co.op đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua app, website cooponline.vn, đồng thời kết hợp cùng các ứng dụng vận tải công nghệ, ví điện tử cung ứng hàng hóa thiết yếu đến với người dân trong điều kiện phong tỏa nghiêm ngặt do dịch bệnh”- ông Nguyễn Trường Sơn - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết.
Đồng bộ giải pháp để hàng Việt đi vào chiều sâu
Theo ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, nhằm triển khai thực hiện Cuộc vận động trong năm 2022 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã xây dựng chương trình thực hiện năm 2022 gồm: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông theo hướng vận động định hướng người tiêu dùng thành phố biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, của doanh nghiệp Việt; Vận động các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tích cực tham gia việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý; Tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của nhân dân về quyền lợi người tiêu dùng thông qua kênh truyền thống và kênh hiện đại; Thực hiện chọn lựa hàng sản xuất trong nước khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thành phố khi mua sắm vật tư, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng.
Dù vậy, bối cảnh năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, để việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2022 đạt được hiệu quả cao, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP. Hồ Chí Minh đề nghị: Các cấp chính quyền thành phố tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng, hình thành các liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp phân phối, giữa phân phối và sản xuất, góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết vùng để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và dẫn đắt thị trường.
Bên cạnh đó, các sở, ngành thành phố cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh.
“Trong điều kiện thị trường ngày càng có nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp lớn nước ngoài, nhu cầu của người dân ngày một cao hơn, do đó, cả hệ thống chính trị cần phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện Cuộc vận động để đạt hiệu quả tối ưu”- ông Hải nhấn mạnh.