Hàn Quốc đứng đầu về lượng khách quốc tế đến Khánh Hoà Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng Đừng để du lịch nội địa lâm cảnh "lấy đá ghè chân mình" |
Từ vụ “tráo nhà hàng” ở TP. Nha Trang…
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin phản ánh của du khách Phan Cường, quê Hà Nội, kể về "trải nghiệm không mấy vui vẻ" khi du lịch tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Theo anh Cường, hai hôm trước, anh và gia đình có đặt xe taxi đến quán ăn T.S, ở 15 đường Trần Phú, tuy nhiên 3 tài xế của hãng taxi Q.T đều chở đoàn khách đến địa chỉ số 102 đường Trần Phú.
Khi đến nơi phát hiện nhầm quán thì người trong đoàn đã gọi đồ ăn. Anh Cường cho hay, dù trước đó khi nhân viên quán được hỏi “có đúng quán T.S số 15 Trần Phú” thì gật đầu xác nhận. “Họ đều đưa chúng mình đến một địa chỉ giả mạo cũng tên là hải sản T.S.", anh Cường viết trên mạng xã hội.
Du khách cũng cho rằng quán hải sản gian dối khi bắt hải sản lên cân và sau khi chế biến. Ảnh: Phan Cường |
Biết nhầm, gia đình anh Cường vẫn ngồi ăn tại đây, tuy nhiên, anh cho rằng quán đã gian dối khi sau chế biến thì quán chỉ đưa ra một nửa số hải sản mà cả nhà gọi. “Thời điểm họ mang một con cá lúc bắt ở bể là 3,4kg, khi ra bàn chắc chỉ được một nửa. Cá đã vào bụng và không thể nào lấy ra để cân lại", nam du khách chia sẻ.
Anh Cường bày tỏ, việc đăng bài phản ánh lên mạng xã hội mục đích mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh tình trạng mua bán không trung thực, chở khách đi sai địa chỉ.
Tiếp nhận thông tin nêu trên, hãng taxi Q.T đã cho 3 tài xế liên quan đến vụ việc viết tường trình, đình chỉ công tác và thu phương tiện.
Ngày 3/4, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ khách du lịch xác minh, xử lý thông tin “tráo nhà hàng” do du khách phản ánh.
Đồng thời, Sở này cũng có văn bản gửi UBND TP. Nha Trang, Cục Quản lý thị trường, Sở Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương liên quan xem xét hỗ trợ, giải quyết yêu cầu của đoàn khách du lịch theo quy định. Bên cạnh đó cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa liên hệ ngay du khách để có thông tin phản ánh, và phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, nếu có vi phạm.
Nghĩ về đạo đức kinh doanh
Theo anh Cường, sự việc ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý các thành viên trong đoàn. “Việc các tài xế cố tình đưa du khách đến các quán hải sản thiếu uy tín để nhận hoa hồng rất phản cảm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường du lịch của thành phố”, anh Cường nói.
Đây không phải lần đầu tiên việc “tráo nhà hàng” tại thành phố biển bị du khách phản ánh, hồi năm 2022, một đoàn khách Bắc Giang vào TP. Nha Trang du lịch, gọi taxi yêu cầu đưa đến quán tại địa chỉ 02 Trần Phú, nhưng được đưa đến một quán ăn "lạ". Kết quả, 22 người này phải chi trả hoá đơn 42 triệu đồng tiền hải sản, dấy lên tranh cãi lớn. Sau khi thông tin này lan truyền lên mạng xã hội, quán đã chủ động trả lại 12 triệu đồng.
Vịnh Nha Trang - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới làm xao xuyến bao con tim của du khách, góp phần giúp Khánh Hoà đón 7,2 triệu lượt khách lưu trú, thu hơn 33.000 tỷ đồng từ du lịch vào năm ngoái.Năm nay, Khánh Hoà đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch đạt 41.100 tỷ đồng. Ảnh: Thi Nhân |
Không chỉ riêng ‘thủ phủ’ du lịch Nam Trung bộ, các điểm du lịch lớn trên cả nước cũng từng bị du khách phản ánh có tình trạng taxi “tráo nhà hàng”, hay hàng quán “chặt chém khách du lịch” để bù tiền hoa hồng trả cho cánh tài xế.
Năm 2020, người dân và du khách đến TP. Đà Nẵng phản ánh tình trạng một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn sử dụng các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, “giao” các tài xế taxi đưa khách đến quán của mình rồi trả hoa hồng, sau đó tăng giá món ăn từ 10% - 30% nhằm thu lại tiền hoa hồng đã bỏ ra.
Điều này cũng xảy ra tại đảo ngọc hè năm ngoái, mạng xã hội và báo chí phản ánh việc giá hải sản ở Phú Quốc đắt đỏ khó tin một phần do “luật ngầm" chi hoa hồng. Trả lời Vuasanca , một hướng dẫn viên tại đây cho hay, các đơn vị này đã mạnh tay chi khoảng 10-20% cho tài xế khi họ đưa khách du lịch đến.
“Họ nói với khách nhà hàng này đóng cửa, hay thức ăn không ngon, giá cả đắt rồi giới thiệu quán khác “ổn hơn”. Vì thế, khách sẽ đi theo hướng dẫn của tài xế vào nơi họ giới thiệu”, người này nói, tại đây, các chủ nhà hàng đẩy giá thức ăn lên cao, và du khách sẽ là người chịu thiệt khi bỏ tiền nhưng nhận lại dịch vụ chưa tương xứng.
“Với các lợi thế về cảnh quan và ẩm thực, những người làm du lịch phải liên kết, hợp tác cho ra các sản phẩm, dịch vụ giá cả phải chăng, ưu đãi, nâng cao chất lượng để giữ chân du khách thì họ lại 'liên kết' với cánh tài xế để “móc túi” khách”, anh Nguyễn Phúc, du khách tại Nha Trang trả lời phóng viên, cho rằng hậu quả hình ảnh du lịch phố biển bị ảnh hưởng nếu tình trạng tiếp diễn. Cần thay đổi tư duy “ăn xổi” trong làm du lịch, chấm dứt việc “chi hoa hồng” cho tài xế và “chặt chém” khách du lịch nếu muốn ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững.
Thật vậy, kinh doanh dịch vụ kiểu “ăn xổi” là biểu hiện của cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm. Dù chỉ một số vụ việc xảy ra ở vài địa phương, nhưng làm xấu hình ảnh du lịch quốc gia.
Để tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, ngăn chặn tình trạng tăng giá, ép giá khách du lịch, thời gian qua, Khánh Hoà đã tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó có thanh tra đột xuất về đăng ký giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết... tại các doanh nghiệp, cơ sở du lịch. Đồng thời công bố đường dây nóng nhằm mục đích tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của du khách về chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo du khách, để xoá nạn “tráo nhà hàng” và “chặt chém”, chính những cá nhân, tổ chức, đơn vị cung ứng các dịch vụ cần nâng cao ý thức, nhận thức, giáo dục về đạo đức kinh doanh.
Khi đi du lịch, du khách nào cũng muốn có cảm giác dễ chịu, thoải mái, những ấn tượng đẹp. Ấy thế mà thông tin xấu về điểm đến cứ thế lan truyền lên mạng xã hội, dù nhiều người nghĩ hiện tượng trên không phổ biến. Thế nhưng, sự lan truyền của những thông tin ấy ảnh hưởng bất lợi đến hình ảnh của địa phương, thậm chí cả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Để khắc phục hiện tượng đáng buồn đó cần một quá trình giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của mỗi con người, nhất là những người làm du lịch.
Thay vì “ăn xổi”, “chi hoa hồng” rồi "chặt chém", người làm du lịch nên nỗ lực xây dựng sản phẩm chất lượng kèm mức giá tương xứng để xóa đi nỗi sợ của du khách.
Ngoài ra, mỗi du khách cũng nên học cách tiêu dùng thông minh, tìm hiểu kỹ điểm đến du lịch, tham khảo thông tin về giá, tránh những "cò mồi" hay quán có sự săn đón bất thường. Du khách cũng nên liên hệ cơ quan quản lý tại điểm đến, tố giác những trường hợp chặt chém khách du lịch, thậm chí yêu cầu đại diện chủ quán báo giá bằng giấy tờ để làm bằng chứng, tránh tình trạng sử dụng rồi mới khiếu nại.