Người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tức là những người làm các công việc tự do, công việc tự làm có thu nhập (không hưởng tiền lương, tiền công, không thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) có nhu cầu đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Người dân tìm hiểu bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam |
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: Có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.
Đáng chú ý, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của người tham gia nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).
Hiện mức đóng tuỳ thuộc vào mức thu nhập tháng người lao động lựa chọn. Cụ thể:
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025: Chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng.
Kể từ ngày 1/7/2024, theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định: Mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 2.340.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức thấp nhất tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là: 22% x 1.500.000 = 330.000 đồng/tháng
Mức cao nhất tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Bằng 20 lần mức lương cơ sở là 22% x 20 x 2.340.000 = 10.296.000 đồng/tháng.
Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.
Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.
Hưởng lương hưu khi đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội
Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, khi tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo hiểm xã hội còn thiếu hấp dẫn, vì người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hộ tự nguyện còn rất thấp.
Do đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Về quy định hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo Bộ luật Lao động năm 2019 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ. Từ 1/1/2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, còn với nữ là 4 tháng cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.
Về mức hưởng lương hưu, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2024, mức lương hưu hàng tháng được tính như sau:
Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.