Rộng mở cơ hội giao thương, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất |
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị khoa học và triển lãm về điều khiển và tự động hóa lần thứ 6, do Hội tự động hóa Việt Nam tổ chức ngày 8/4 tại TP. Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó, có khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị khoa học và triển lãm về điều khiển và tự động hóa lần thứ 6 |
Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ tự động hoá đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. GS.TS Đinh Văn Hiến - Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, tự động hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việc ứng dụng tự động hóa sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, sản phẩm đều hơn, năng suất cao hơn, đặc biệt là giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Dẫn ví dụ cụ thể, GS. TS Đinh Văn Hiến cho biết, một số nhà máy bia, thực phẩm, sữa… khi kết nối các bộ phận cục bộ thành một hệ thống liên thông từ khâu xử lý nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất, quá trình đóng gói cho đến khi sản phẩm ra thị trường đã giảm 60% nhân lực, nâng hiệu suất lên gấp 1,5 - 2 lần so với khi sử dụng công nghệ cũ.
Bên cạnh đó, ứng dụng tự động hoá giúp tiết kiệm không gian, mở rộng dây chuyền sản xuất. Sắp tới khi hệ thống viễn thông được nâng cấp lên 5G, đường truyền tốt hơn thì rất thuận lợi cho việc ứng dụng tự động hóa.
Để thúc đẩy việc ứng dụng tự động hoá trong hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Hội Tự động hóa Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới. Việc này nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thông minh theo hướng kết nối các khâu thiết kế - vận hành - bảo trì cùng tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp; đồng thời ứng dụng bộ 3 giải pháp “tự động hóa - tiết kiệm năng lượng - phần mềm” trên nền tảng số, kết hợp xử lý dữ liệu lớn bằng trí tuệ nhân tạo (AI); huy động các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu tập trung giải quyết các bài toán mang tính đột phá gắn với chuyển đổi số giúp cải thiện và nâng cao mức độ tự động hóa đối với sản phẩm công nghiệp của Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, Hội cần đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia.