Côngthương - Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2011 của WEF, mức nợ công ngày càng cao do các biện pháp giải quyết khủng hoảng tài chính đã khiến khả năng ứng phó với các cú sốc của nhiều quốc gia giảm xuống mức thấp đáng kể.
Ông Daniel Hofmann, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Dịch vụ Tài chính Zurich, người tham gia thực hiện báo cáo trên, cho biết: “Các chính sách tài khóa hiện nay của đa số nền kinh tế phát triển đều không bền vững. Trong bối cảnh thiếu sự điều chỉnh sâu rộng về mặt cơ cấu, rủi ro vỡ nợ công là rất cao”.
Ông Robert Greenhill, Giám đốc điều hành WEF nhận định: “Thế giới dễ bị tác động bởi các cú sốc trong tương lai hơn so với trong nửa thế kỷ qua. Các biện pháp ứng phó đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giảm ngân sách quốc gia và thu nhập của các hộ gia đình, nhưng rủi ro tiềm tàng vẫn còn tồn tại”.
Rủi ro lớn nhất trong báo cáo năm ngoái của WEF là nợ công, và cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp là nội dung bao trùm cuộc họp năm 2010 tại Davos.
Kể từ tháng 01 năm ngoái, khủng hoảng nợ châu Âu đã lan rộng sang Ireland và hiện đang đe dọa tới Bồ Đào Nha cũng như Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone.
Ngoài ra, cuộc họp tại Davos cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào sự mất cân xứng giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan tại các thị trường mới nổi và các điều kiện ảm đạm tại thế giới phát triển.
Sự mất cân đối này làm gia tăng nguy cơ về chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh tiền tệ khi dòng vốn nóng tại các nền kinh tế mới nổi gia tăng mạnh.
Trong một thế giới có mối liên hệ ngày càng chặt chẽ, sự yếu kém của một nước có thể lây lan rất nhanh chóng. Theo WEF, trước tình trạng này, các Chính phủ toàn cầu cần phải gia tăng sự hợp tác hơn nữa.
Các rủi ro khác trong năm 2011 bao gồm sự thắt chặt nguồn cung của các tài nguyên cơ bản như thực phẩm, nước và năng lượng.
Vietstock