Ở mỗi thời điểm khác nhau, vẫn có những đối tượng xấu lợi dụng “kẽ hở” kinh doanh trục lợi bất chính, khiến cho tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng phức tạp; gây ảnh hướng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Còn nhớ, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, không thiếu những tấm gương, điển hình có hành động, nghĩa cử cao đẹp, hy sinh vì cộng đồng rất đáng trân trọng. Ngược lại vẫn còn một số người chỉ vì lợi lộc bản thân mà có những hành vi xấu xí, cấu kết trục lợi trên nỗi đau người khác.
Thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh căng thẳng, người dân đổ xô đi mua khiến khẩu trang bị “cháy hàng”, ngay lập tức, từ giá chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/hộp đã tăng giá lên 200.000 đồng, cao gần 10 lần và có những nơi còn cao hơn thế. Việc trục lợi từ khó khăn của cộng đồng của một số đối tượng biến tướng từ nâng giá hàng hóa, lừa đảo tiêm phòng vắc xin, làm giả thuốc phòng, chống dịch bệnh đến việc “thổi phồng” công dụng của các loại hàng hóa, dược phẩm...
Ngay thời điểm đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389, Bộ Công Thương, cùng với các lực lượng chức khác, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định, bảo đảm thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng, ổn định giá và nguồn cung đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế (trong đó có các loại kit xét nghiệm Covid-19, máy đo SpO2) và thuốc phòng, chống dịch Covid-19
Gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm tình trạng cắt điện tại một số khu vực ở Hà Nội khiến các mặt hàng quạt tích điện trên thị trường trở nên khan hiếm. Ghi nhận tại một số siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội vào thời điểm đầu tháng 6, hầu hết người mua sẽ nhận được câu trả lời là "không có sẵn sản phẩm tại cửa hàng" mà phải tham khảo các mẫu thiết bị trên nền tảng mua sắm trực tuyến. Sau khi đặt hàng sản phẩm quạt tích điện, thời gian giao hàng sẽ thường kéo dài từ 5-10 ngày.
Còn tại một số cửa hàng bán thiết bị điện tử, điện lạnh trên địa bàn thành phố, lượng khách đến mua các sản phẩm như điều hòa, quạt tích điện, quạt hơi nước tăng gấp ba lần so với trước đợt cao điểm nắng nóng. Theo các chủ cửa hàng, đây đang là mặt hàng "nhập bao nhiêu bán hết bấy nhiêu" do người dân không nắm được lịch cắt điện và muốn chuẩn bị quạt mát trong mọi trường hợp mất điện.
Tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, dẫn đến nhu cầu của người dân sử dụng các thiết bị điện tăng cao như: máy phát điện, các loại quạt tích điện, thiết bị làm mát tiết kiệm điện… do nguồn cung hạn chế, từ đó một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi bất chính, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xử lý nghiêm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về tên, địa chỉ các cơ sở kinh doanh thiết bị điện trục lợi gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Công văn số 1164/TCQLTT-CNV do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình ký ban hành ngày 8/6/2023 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm tra các quy định pháp luật đối với mặt hàng thiết bị điện trước nhu cầu của người dân tăng cao đối với mặt hàng này.
Cụ thể, theo Công văn số 1164, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng trên và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường nắm bắt địa bàn. Cùng đó, các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) đối với các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như máy phát điện, các loại quạt tích điện, thiết bị làm mát tiết kiệm điện.
Trong quá trình kiểm tra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các đơn vị cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa. “Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường để nắm bắt kịp thời tình hình” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cũng đã có công văn hoả tốc chỉ đạo xác minh, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm trong kinh doanh, lưu thông hàng hóa thiết bị điện.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng Công an huyện Hoài Đức kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh hàng hóa tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ gần 5.000 sản phẩm là quạt phun sương tích điện không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tổ chức tiêu hủy hàng trăm tấn đồ điện tử, thiết bị gia dụng không có nguồn gốc xuất xứ. Việc tiêu hủy là bắt buộc dù trong số này có rất nhiều hàng hóa có giá trị cao.
Hành động nhanh chóng, quyết liệt này của lực lượng Quản lý thị trường đã thể hiện vai trò chủ công của lực lượng, thay vì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7, tinh thần không khoan nhượng, chung tay chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của lực lượng chức năng.