Gắn biển cơ quan không thuốc lá (Ảnh minh họa) |
Trước hết, các cơ quan đơn vị cần thành lập Ban chỉ đạo với nhiều thành phần tham gia như lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là chỉ đạo việc xây dựng và phê chuẩn nội qui /quy chế, phân công trách nhiệm cho cán bộ, chỉ đạo việc thực hiện, giám sát, đánh giá cũng như quyết định khen thưởng xử phạt.
Sau khi thành lập, Ban chỉ đạo cần tiến hành khảo sát về thực trạng sử dụng thuốc lá trong cán bộ nhân viên cũng như tình trạng sử dụng thuốc lá của khách đến làm việc nhằm xác định nhóm đối tượng nào có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trong cơ quan. Đồng thời tìm hiểu xem các nhân viên có nhận thức gì về tác hại của thuốc lá chưa? Trong trường hợp cơ quan xây dựng nơi làm việc không có khói thuốc lá thì ý kiến của họ như thế nào?
Bước tiếp theo là xây dựng nội quy và kế hoạch hành động. Trong đó nội quy cần có các quy định như cấm hút thuốc lá tại các khu vực trong nhà của cơ quan; biện pháp phạt những người vi phạm; Quy định về việc cấm nhận tài trợ của các công ty thuốc lá dưới mọi hình thức; Phân công tổ chức/ cá nhân chịu trách nhiệm giám sát thực hiện nội qui; Xác định rõ hiệu lực về thời gian của nội qui.
Đối với nội dung kế hoạch triển khai thực hiện bao gồm tên hoạt động cụ thể; thời gian triển khai, hoàn thành đối với mỗi hoạt động; tên cán bộ/phòng ban chịu trách nhiệm thực hiện; Kết quả mong đợi/chỉ số đánh giá; kinh phí triển khai; những hình thức hỗ trợ, khen thưởng cho người hút thuốc muốn bỏ thuốc.
Khi đã có nội quy và kế hoạch hành động, cần phổ biến rộng rãi cho toàn cơ quan biết để thực hiện thông qua nhiều hình thức như thông báo tại cuộc họp giao ban lãnh đạo cơ quan; gửi văn bản tới các phòng ban; niêm yết nội quy tại phòng bảo vệ, phòng khách.
Để triển khai có hiệu quả, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức Lễ phát động hưởng ứng xây dựng cơ quan không khói thuốc lá; gắn biển báo Cấm hút thuốc; thực hiện loại bỏ các vật dụng liên quan đến thuốc lá như gạt tàn, bật lửa khỏi phòng làm việc; tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho các cán bộ công nhân viên người lao động.
Bên cạnh đó, cần tập huấn cho các cán bộ được phân công nhiệm vụ giám sát về kỹ năng truyền thông, giám sát, tư vấn và nhắc nhở người vi phạm, đánh giá và viết báo cáo. Tổ chức thi đua giữa các phòng, ban về bỏ thuốc lá với các hình thức khen thưởng cá nhân bỏ thuốc, phạt với những trường hợp vi phạm..; tổ chức các cuộc thi viết bài, xây dựng tiểu phẩm nói về tác hại của thuốc lá và các phương pháp bỏ thuốc lá. Đồng thời cập nhật và phổ biến nội dung các văn bản của nhà nước về PCTH thuốc lá.
Bước cuối cùng là thực hiện theo dõi, giám sát đánh giá kết quả rút kinh nghiệm nhằm khắc phục những tồn tại và đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn. Trong bước này, những người có trách nhiệm cần thực hiện giám sát về hệ thống biển báo cấm hút thuốc, nội qui/qui định; xem biển báo cấm hút thuốc có được gắn tại các vị trí dễ thấy không?; thực hiện giám sát xem cán bộ nhân viên, khách đến liên hệ còn hút thuốc hay còn gạt tàn thuốc lá và đầu mẩu thuốc lá ở nơi làm việc hay không? Nếu còn thì có bao nhiêu trường hợp vi phạm, vi phạm đã được xử lý như thế nào?...
Một trong những bí quyết để thực hiện thành công cần có sự cam kết và ủng hộ của lãnh đạo cấp cao nhất cơ quan đơn vị. Nếu các thủ trưởng đơn vị chấp hành nghiêm quy định thì các cán bộ, nhân viên cấp dưới sẽ nghiêm túc thực hiện. Thêm vào đó cần truyền thông liên tục. Bên cạnh đó cũng cần đào tạo nâng cao kỹ năng giám sát và kĩ năng ứng xử khi có vi phạm để người hút thuốc chấp hành các quy định, qua đó dần giảm bớt việc hút thuốc hoặc bỏ hẳn.
Đối với mỗi cơ quan, đơn vị đều có những đặc thù riêng, do đó việc áp dụng các bước xây dựng nơi làm việc không khói thuốc cần linh hoạt để đạt được hiệu quả cao.