Chủ động đảm bảo cung ứng điện
Với chức năng quản lý ngành, định kỳ vào dịp cuối năm, trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu, dự báo và tính toán nhu cầu phụ tải, Bộ Công Thương đều xây dựng kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho năm kế tiếp. Năm 2022, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5%, Bộ Công Thương đã phê duyệt phương án cung cấp điện với tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà năm 2022 là 275,505 tỷ kWh, tăng khoảng 7,88% so với năm 2021. Trong đó mùa khô là 133,622 tỷ kWh và mùa mưa là 141,883 tỷ kWh.
Trên cơ sở này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính toán và đưa ra mức tăng trưởng điện dự kiến là 242,35 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021.
Để đảm bảo cấp điện an toàn liên tục phục vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022, trong kế hoạch cung cấp điện, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ; chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan thực hiện từ cơ cấu nguồn phát điện đến truyền tải, phân phối điện…; công tác phối hợp đảm bảo nguồn đầu vào cho sản xuất điện; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình điện; triển khai các chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên với mục tiêu không để thiếu điện.
Theo tính toán đưa ra hồi cuối năm ngoái, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, với tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống (đứng đầu Asean về công suất) đạt 76.620MW vào cuối năm 2021, tăng gần 7.500MW so với năm 2020 cùng với các giải pháp cụ thể, việc cung ứng điện năm 2022 về cơ bản được bảo đảm, không phải thực hiện cắt giảm điện nếu không có hiện tượng bất thường hay thời tiết cực đoan.
Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo than cho sản xuất điện |
Nhu cầu tăng cao và những giải pháp cấp bách
Năm 2022 với quan điểm thích ứng linh hoạt, Chính phủ cho phép mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế - xã hội, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng do những yếu tố khách quan như ảnh hưởng từ dịch bệnh, xung đột địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khủng hoảng năng lượng dẫn đến nhiều thách thức trong việc cung ứng điện trong nước, nhất là vào thời điểm nắng nóng.
Trên thực tế, sự phục hồi kinh tế nhanh trong 3 tháng đầu năm đã khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn mức dự kiến. Theo báo cáo của EVN, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống Quý I đạt 63,03 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm đạt 54,78 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên điện thương phẩm tháng 3/2022 ước đạt 18,84 tỷ kWh, tăng 9,4%. Phụ tải tháng 3 cao hơn trung bình khoảng 4,2tr.kWh/ngày so với phương thức dự kiến.
Đặc biệt, trong Quý I/2022, EVN gặp một số khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do đó, đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh.
Trước những nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện, ngày 11/3, Bộ Công Thương đã có văn bản số 1225/BCT-DKT yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký với quan điểm “Trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Australia xúc tiến việc nhập khẩu than |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức họp và làm việc với các đối tác quốc tế như Australia, Nam Phi để xúc tiến nhập khẩu than về Việt Nam ngay trong tháng 4 – 5/2022.
Ngày 10/4/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới với Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với đồng chí Đao-vông Phon-kẹo, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào nhằm tăng cường hợp tác song phương Việt Nam – Lào trong lĩnh vực điện và khoáng sản. Đặc biệt, hai bên đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước phục vụ cho quá trình nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.
Cuộc Hội đàm giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về năng lượng và khoáng sản |
Trên thực tế, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thường xuyên yêu cầu các Cục, vụ liên quan đến năng lượng báo cáo tại các cuộc giao ban định kỳ hàng tuần để nắm bắt, chỉ đạo, đưa ra các giải pháp kịp thời. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề với các đơn vị, doanh nghiệp năng lượng về từng lĩnh vực như tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các dự án nguồn điện, dự án truyền tải, năng lượng tái tạo; các giải pháp cung cấp than, khí cho sản xuất điện...nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của Nhân dân.