Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, rất nhiều năm điện than không được các Bộ, ban ngành cũng như địa phương quan tâm đúng mức. Hàng loạt các dự án điện than bị chậm tiến độ. Điển hình như điện than Thái Bình xây dựng 20 năm vẫn chưa xong, các dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Sông Hậu 2 hay dự án cá voi xanh… thực hiện rất nhiều năm vẫn chưa xong, mặc dù đã có nhiều hội thảo nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Trước nguy cơ thiếu điện, Bộ Công Thương đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp như tăng cường ký kết hợp đồng mua bán than với đối tác mới, nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu sơ cấp…. nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu điện. Đây là giải pháp kịp thời song về dài hạn cần có giải pháp tích cực và đột phá.
Theo ông Ngãi, Bộ Công Thương cần báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Cơ quan quản lý và địa phương trực tiếp quản lý phải có những đột phá, có giải pháp thu xếp đủ vốn để phát triển các dự án đang bị chậm tiến độ.
“Trong tương lai chúng ta hướng đến sử dụng năng lượng xanh, phát triển nền kinh tế xanh, xu hướng xanh nghĩa là phải dùng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng truyền thống như thủy điện hay nhiệt điện than. Do vậy cần phải có sự chỉ đạo rốt ráo để cân bằng hệ thống điện giữa năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo” – ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam |
Đánh giá cao sự vào cuộc của Bộ Công Thương trong việc nhập khẩu than, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần tăng cường khai thác than trong nước theo các hợp đồng đã ký kết giữa các doanh nghiệp, đúng chủng loại thiết kế cho các nhà máy điện của EVN. Trong trường hợp thiếu cần nhập khẩu nguồn than như thế nào phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện. Có thể thực hiện trộn than trong nước với than nhập khẩu để cung cấp than phù hợp với loại than thiết kế cho từng nhà máy điện. Tuy nhiên cần đa dạng nguồn cung từ nhiều quốc gia khác nhau, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, cần có quy định theo hướng chuyên nghiệp, quy mô, tập trung cho vấn đề nhập khẩu than để tăng tính cạnh tranh, không gây gây xáo trộn thị trường. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng phục vụ việc nhập khẩu, cảng, kho bãi lưu trữ và vấn đề vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam |
Về dài hạn, cần rà soát, sửa đổi các chính sách nhập khẩu than sao cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng công khai minh bạch, vừa thuận tiện cho công tác quản lý, giám sát; vừa dễ dàng cho doanh nghiệp dễ triển khai, thực hiện một cách chủ động. Nghiên cứu đầu tư mua mỏ ở nước ngoài và đầu tư hệ thống kho dự trữ than quốc gia, ứng phó kịp thời với biến động của thị trường thế giới.
Ông Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam |
Còn theo ông Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam, nguy cơ thiếu điện đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo vì kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh, nhu cầu điện cao nhưng giá điện còn thấp. Do đó cần có chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể về an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có lĩnh vực điện.
“Vừa qua chúng ta bị vướng dịch Covid, mọi hoạt động sản xuất chững lại nên có 1 thời gian điện không bị thiếu, nhưng giờ đây hoạt động kinh doanh sản xuất dần trở lại nên nhiều khả năng sẽ thiếu điện. Vì vậy tôi cho rằng về lâu dài cần có chính sách để đảm bảo nguồn điện ổn định cho sự phát triển của đất nước, nhất là bối cảnh thế giới có nhiều biến động tiêu cực” – ông Hoàng Giang nói.