Học sinh hút thuốc (Ảnh minh họa) |
Trước đây, phụ nữ ở những vùng nông thôn, miền núi thường có thói quen hút thuốc lào, hay sử dụng thuốc lào để ăn trầu tuy nhiên thế hệ này đã dần ít đi. Trong khi đó, ở thành phố, những phụ nữ hút thuốc lá thường là những người buôn bán hoặc những thanh niên tỏ ra sành điệu.
Xét về giá trị đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục thì việc nữ giới hút thuốc được xem là "ngang tai, trái mắt", thậm chí "đua đòi, hư hỏng" khó có thể chấp nhận. Có lẽ chúng ta không quên hình ảnh một hoa hậu trẻ tuổi Việt Nam mới đây lộ hình ảnh hút thuốc khiến cộng đồng phản ứng và cô này phải lên tiếng xin lỗi. Mặc dù xét về quan điểm cá nhân thì hút thuốc là quyền của mỗi người trong xã hội dân chủ.
Trên thực tế, chắc chắn không một gia đình nào chấp nhận con trai mình làm bạn, yêu thương một cô gái hút thuốc, uống rượu. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước càng hội nhập sâu rộng, sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là văn hóa phương Tây dường như đang xóa đi mọi cách biệt về quan niệm, giá trị đạo đức. Nhiều nữ giới cũng đòi hỏi quyền bình đẳng y như nam giới, trong đó có việc hút thuốc.
Sở dĩ, người viết đặt vấn đề như vậy, bởi vì khi đi ra một số nước lân cận trong khu vực châu Á – nơi có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam mới thấy quan niệm về nữ giới hút thuốc lá ngày càng thay đổi. Nếu ai đã từng đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ không ngạc nhiên khi thấy nữ giới đủ mọi lứa tuổi hút thuốc ở những nơi được phép.
Ngay tại Việt Nam, nếu đi vào các quán bar, sàn nhảy, quán cà phê kín đáo, không khó khăn gì để bắt gặp những cô gái ăn mặc sành điệu phì phèo điếu thuốc trên môi hoặc dùng các chất kích thích khác như như shisha, vape, thuốc lá điện tử. Thậm chí ở một số trường phổ thông trung học, thỉnh thoảng vẫn thấy một vài nữ sinh hút thuốc lá chẳng khác gì nam giới.
Hình ảnh nữ sinh hút thuốc (Ảnh minh họa) |
Mặt khác với một môi trường có đông nam giới hút thuốc, hàng ngày dù không muốn thì hàng triệu phụ nữ tại Việt Nam buộc phải hút thuốc thụ động. Và nhiều người phải chấp nhận tình trạng này như một điều hiển nhiên. Dù vẫn đặt niềm tin vào nữ giới Việt Nam nhưng quả thật ranh giới giữa hút thuốc và không hút thuốc ở nữ giới rất mong manh, nhất là những nữ sinh đang tuổi mới lớn.
Chúng ta đều biết, nếu hút thuốc lá dù trực tiếp hay gián tiếp, ngoài các bệnh lý như nam giới, nữ giới với sức đề kháng yếu hơn nguy cơ bệnh tật cao hơn. Họ có thể bị ung thư da, thanh quản, thực quản, ung thư cổ tử cung... ngoài ra còn ảnh hưởng lên chức năng sinh sản; ảnh hưởng ở thời kỳ thai nghén như giảm trọng lượng thai nhi trung bình khoảng 200g, sinh non, băng huyết sau sinh, dễ sảy thay tự nhiên, gia tăng tần suất sinh ra thai nhi bị bất thường bẩm sinh; ảnh hưởng thời kỳ cho con bú vì nicotine được thải qua sữa...
Để tránh những nguy cơ gia tăng nữ giới hút thuốc trong tương lai, các cơ quan đơn vị liên quan cũng cần chuẩn bị xây dựng những kế hoạch hành động, kịch bản tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thường xuyên thông tin về tác hại của thuốc lá cho nữ giới. Đồng thời, cần tận dụng vai trò của các đoàn thể như hội phụ nữ, ban nữ công công đoàn, đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nữ giới trong phòng chống tác hại của thuốc lá.