Hiện nay, ở nước ta, hệ thống an sinh xã hội dựa trên 4 trụ cột chính: Việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; BHXH, BHYT; trợ giúp xã hội cho các nhóm đặc thù; các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt…). Trong đó, BHXH, BHYT là trụ cột cốt lõi, có tác động lớn đến đời sống xã hội.
Theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều DN đang né tránh tham gia BHXH, thường ký hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng, đặc biệt là ở các DN sử dụng nhiều lao động thời vụ. Do đó, đây là quy định cần thiết, tránh việc “lách luật”, ký hợp đồng ngắn hạn 3 tháng với người lao động, hết hợp đồng lại ký tiếp 3 tháng, nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH.
“Đang có trên 11 triệu người tham gia BHXH, trong đó, lực lượng công nhân chiếm đa số. Chỉ tính riêng năm 2013, số công nhân đã chiếm đến 62% số người đóng BHXH. Do vậy, cần phải có chính sách thấu tình, đạt lý, cho các đối tượng này được hưởng quyền lợi, dù họ chỉ làm việc từ 1- 3 tháng” - ông Trần Thanh Hải, đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, nhận định.
Qua thực tiễn giám sát và tham vấn ý kiến của các đối tượng có liên quan (chủ sử dụng lao động, người lao động, nhân dân) cho thấy, việc đưa nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết. Đây là nhóm tham gia chủ yếu trong khu vực có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị chủ sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ BHXH- TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh.
Luật BHXH sửa đổi quy định bổ sung thêm 2 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động có hợp đồng lao động từ 1- 3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. |
TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, có rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của vấn đề này. Thực tế, ngay cả ở khu vực có quan hệ lao động, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ có 10,8 triệu người trong khoảng 15- 16 triệu lao động có hợp đồng lao động. Thêm vào đó, số lượng DN do các cơ quan quản lý nắm được rất khác nhau, không cơ quan nào biết chính xác có bao nhiêu DN, sử dụng bao nhiêu lao động. Theo thống kê, chỉ có khoảng 50% số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia BHXH. Vì vậy, việc bổ sung thêm đối tượng lao động có hợp đồng từ 1- 3 tháng rất khó khăn.
Để giải quyết những khó khăn hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước, Công đoàn, cơ quan BHXH và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tăng cường công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật DN. Quá trình cải cách thủ tục hành chính sẽ tiến đến cấp mã định danh hay mã an sinh xã hội cho từng người, gồm tài khoản cá nhân, trong đó có tài khoản BHXH. Người lao động sẽ dễ dàng hoàn tất các thủ tục đóng, hưởng BHXH khi hoàn thiện hệ thống cấp mã định danh này. Khi đó, những lo ngại về quản lý BHXH cho đối tượng có hợp đồng lao động từ 1- 3 tháng sẽ được khắc phục.
Luật BHXH (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Đây sẽ là cơ sở để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đạt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, tương ứng với khoảng 24,4 triệu người.