Bộ Tài chính muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, doanh nghiệp xin hoãn 18 tháng Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giá mua sắm ô tô công tối đa lên 5 tỷ đồng/xe |
Tại buổi họp báo quý I/2023, đại diện Bộ Tài chính cho biết lũy kế thu quý I ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022 (trong đó ngân sách trung ương đạt 37,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán).
Số thu nội địa quý I đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý IV và chênh lệch so quyết toán thuế năm 2022 (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,...) theo chế độ được kê khai nộp ngân sách nhà nước trong quý I/2023. Tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.
“Có 4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng; ngoài ra, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ”- đại diện Bộ Tài chính thông tin.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; triển khai đầy đủ các giải pháp các chính sách thu ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Bên cạnh thực hiện các chính sách để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa, hóa đơn điện tử, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì cơ quan thuế, hải quan cũng tích cực thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; tăng cường công tác thu giao dịch thương mại điện tử, thu từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; phấn đầu hoàn thành cao nhất dự toán thu Quốc hội quyết định.
Luỹ kế chi quý I đạt 17,5% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 27,1% dự toán, giảm 3,4%; chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/3/2023, đã thực hiện phát hành gần 94 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,53 năm, lãi suất bình quân 4,26 %/năm.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và hiện đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Sau khi có kết luận, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng thời gian qua đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam ở mức khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm theo hình thức này.