Bốn cuộc đời được hồi sinh từ tạng của một chàng trai chết não do tai nạn giao thông
Đầu tháng 7, anh Đ.V.T (32 tuổi, ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) đang trên đường đi làm về đã không may bị tai nạn giao thông. Sau đó, anh T được chuyển đến bệnh viện huyện, rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để cấp cứu.
Anh T được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng quá nặng. Sau khi đánh giá các chức năng, các bác sĩ thống nhất xác định anh đã rơi vào tình trạng chết não, không thể qua khỏi.
Với sự vận động của Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức, gia đình anh T đã đồng ý hiến mô/tạng của người thân để đem lại cơ hội sống cho các bệnh nhân khác.
Thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị lấy tạng hiến của bệnh nhân T. (ảnh: BVCC) |
Theo đó, hai quả thận, tim và gan của anh T đủ điều kiện để hiến cho 4 bệnh nhân khác. Trong đó, trái tim của anh được chuyển bằng đường hàng không tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho người đàn ông cùng tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim 13 năm nay. Hai quả thận và gan được ghép cho 3 bệnh nhân đều tại Bệnh viện Việt Đức.
Theo thông tin cập nhật ngày 18/7, cả 4 bệnh nhân có chỉ số sau ghép đều ổn định. Đối với ca ghép tim tại Huế, sau hơn 1 giờ phẫu thuật, quả tim hiến tặng đã đập lại trong lồng ngực người nhận. Hiện, bệnh nhân đã có thể ăn uống, đi lại, sinh hoạt như người bình thường.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện nay Việt Nam đã thực hiện khoảng 7.500 ca ghép tạng thành công. Riêng năm 2022 có hơn 1.000 ca, trong đó có 90% ca ghép tạng từ người cho sống.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đến nay cơ sở này đã thực hiện hơn 1.500 trường hợp ghép tạng bộ ba tim-gan-thận, giác mạc. Số lượng ca ghép tim xuyên Việt của viện này hiện đứng đầu cả nước.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các thầy thuốc đã thực hiện lấy tạng hiến của hơn 100 người chết não. Tại các cơ sở y tế khác trên cả nước, chỉ có khoảng 50 người chết não hiến tạng từ năm 2010 đến nay.