Khu vực phía Nam: Tiết kiệm điện hơn 63 triệu kWh trong 20 ngày EVN triển khai giải pháp cấp bách tiết kiệm điện ở miền Bắc |
Một phân tích mới nhất của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEB) cho thấy hầu hết các biện pháp được các quốc gia EU áp dụng để tiết kiệm khí đốt và điện là tự nguyện và chỉ nhắm mục tiêu vào các tòa nhà công cộng. EEB cảnh báo rằng các chính phủ kiềm chế việc cắt giảm bắt buộc đối với doanh nghiệp và ngành công nghiệp đang chuyển gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng sang những công dân dễ bị tổn thương nhất. Liên minh châu Âu đang tiết kiệm năng lượng để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng điều này không diễn ra theo một cách có cấu trúc, công bằng xã hội và bền vững. Phân tích mới nhất của EEB cho thấy sự chênh lệch đáng kể trong các biện pháp mà các quốc gia EU thực hiện để giảm nhu cầu khí đốt và điện. Dựa trên phạm vi, tính kịp thời và tính nghiêm ngặt của các biện pháp, EEB đã tạo ra một bảng xếp hạng các quốc gia EU theo nỗ lực tiết kiệm năng lượng của họ.
Kết quả cho thấy chỉ có 14 trong số 27 quốc gia EU áp dụng các biện pháp bắt buộc để cắt giảm năng lượng. Trong sáu tháng qua, Ba Lan, Litva, Síp và Hà Lan đã tham gia nhóm này. Các biện pháp tiết kiệm khí mạnh mẽ nhất được thực hiện tại các quốc gia nhập khẩu lượng lớn khí đốt của Nga như Ý và Đức. Một số quốc gia ít phụ thuộc vào khí đốt hơn như Pháp và Tây Ban Nha cũng có những biện pháp cắt giảm năng lượng mạnh mẽ, hướng tới cả khu vực công và tư, các ngành công nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ. Luxembourg, Áo, Malta, các quốc gia Bắc Âu và Đông Âu có xu hướng áp dụng các biện pháp cắt giảm năng lượng yếu hơn. Bulgary, Romania và Latvia chưa đưa ra bất kỳ biện pháp quốc gia nào để giảm tiêu thụ khí đốt và điện. Bồ Đào Nha là quốc gia duy nhất báo cáo minh bạch về tiến độ và thực hiện tiết kiệm năng lượng, thành lập ủy ban giám sát và đưa ra phân tích về các biện pháp cụ thể.
Trong suốt mùa đông vừa qua, việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm đáng kể. Điều này dẫn đến giá khí đốt nói riêng tăng cao và một số nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng đã xuất hiện để đáp ứng, bao gồm cả việc đưa ra các mục tiêu tiết kiệm năng lượng của EU. Giảm nhu cầu năng lượng cũng là cần thiết khi xét đến khoản chi lớn mà các nước EU cung cấp để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp thanh toán các hóa đơn năng lượng ngày càng tăng. Theo báo cáo của tổ chức tư vấn Bruegel, tổng ngân sách dành cho các biện pháp bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng là 646 tỷ euro, tương ứng với khoảng 4.000 euro cho mỗi hộ gia đình. Các quốc gia EU đã đạt được mục tiêu tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 8 năm 2022 đến ngày 31 tháng 3 năm 2023. Tuy nhiên, chỉ với mức giảm 6,2% mức tiêu thụ điện của EU so với cùng kỳ, hầu hết các quốc gia này đều không đạt được mục tiêu đã thống nhất là giảm tổng nhu cầu điện ít nhất 10% và 5% trong giờ cao điểm.
Việc giảm nhu cầu năng lượng có nhiều nguyên nhân góp phần. Các nguyên nhân chính bao gồm từ nhiệt độ đặc biệt ôn hòa dẫn đến việc sử dụng hệ thống sưởi thấp hơn, cho đến các quyết định có động cơ kinh tế của người tiêu dùng để giảm chi phí. Tuy nhiên, những yếu tố này không đảm bảo rằng việc tiết kiệm năng lượng là bền vững hoặc đáng mong muốn từ quan điểm xã hội. Bất chấp những nỗ lực của nhiều quốc gia, vẫn chưa có đánh giá hoặc giám sát các biện pháp tiết kiệm hiện tại ở cấp độ EU. Những người ra quyết định ở châu Âu cần hiểu rõ hơn điều gì hiệu quả và điều gì không. Ngoài ra, các báo cáo của chính phủ EU cho Ủy ban châu Âu cần được công khai một cách có hệ thống, đòi hỏi Liên minh châu Âu tăng cường nỗ lực giám sát việc tiết kiệm năng lượng của các nước EU. Mùa đông sắp tới có thể khó khăn hơn và vẫn còn nhiều bất ổn. Châu Âu lại gặp hạn hán vào mùa hè và nhiệt độ cực kỳ lạnh vào mùa đông. Có thể có phá hoại cơ sở hạ tầng. Do đó, việc giảm tiêu thụ một cách có cấu trúc và bền vững là rất cần thiết, vì sự thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng có thể làm tăng sự biến động của giá khí đốt và điện.