Theo EEA, nếu không thực hiện hành động khẩn cấp và quyết đoán để thích ứng với rủi ro thì châu Âu có thể phải gánh chịu hậu quả.
“Các khu vực ở Nam Âu có nguy cơ cao nhất với những mối nguy hiểm bao gồm hỏa hoạn, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong khi các vùng ven biển thấp phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn”, báo cáo của EEA chỉ ra.
“Nhiều rủi ro đã đạt đến mức nghiêm trọng và có thể trở thành thảm họa nếu không có hành động khẩn cấp và quyết đoán”, EEA cảnh báo.
Báo cáo của EEA cũng liệt kê 36 rủi ro liên quan đến khí hậu ở châu Âu, 21 trong số đó yêu cầu hành động ngay lập tức và 8 rủi ro “đặc biệt khẩn cấp”. Trong đó đứng đầu danh sách là rủi ro đối với các hệ sinh thái, chủ yếu liên quan đến các hệ sinh thái ven biển và biển.
EEA cho rằng, các chính phủ và người dân châu Âu cần ưu tiên hàng đầu trong việc làm nhiều hơn và hành động nhanh hơn. Giám đốc EEA Leena Yla-Mononen lưu ý: “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để có những chính sách mạnh mẽ hơn”.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040, một mục tiêu nhằm “kiểm tra” mong muốn tiếp tục cuộc chiến đầy tham vọng chống lại biến đổi khí hậu của châu lục trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.
Theo bản thảo khuyến nghị của EC, EU sẽ tán thành mục tiêu cắt giảm 90% khí nhà kính so với mức năm 1990. Mục tiêu khí hậu năm 2040 giúp các quốc gia EU đi đúng hướng giữa mục tiêu khí hậu năm 2030 và mục tiêu dài hạn là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2040 là sẽ thay đổi cơ cấu năng lượng của châu Âu, với việc loại bỏ dần năng lượng sử dụng nhiên liệu than và giảm 80% việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.