Các tỉnh miền núi phía Bắc: Sẽ có 577 sản phẩm OCOP
Do phát triển nhanh các vùng sản xuất quy mô lớn, nên nút thắt chính trong liên kết tiêu thụ nông sản là thị trường ngày càng được các địa phương quan tâm. Theo đó, các địa phương đã chủ động triển khai xúc tiến thương mại tại các thị trường tiêu thụ lớn trong nước, thường xuyên tổ chức các lễ hội cây ăn trái. Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, nông sản chủ lực, cũng được các địa phương chú trọng.
Các địa phương thường xuyên tổ chức hội chợ giới thiệu nông đặc sản |
Điển hình như tỉnh Sơn La trong thời gian qua đã nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm xuất khẩu trái cây của miền núi phía Bắc. Nhiều loại quả trước đây chưa được trồng ở Sơn La nhưng nhờ mô hình liên kết sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mà các sản phẩm như: Nhãn, vú sữa, na, xoài.... đã trở thành đặc sản của địa phương, xuất khẩu ra nước ngoài.
Các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai cũng thường xuyên tổ chức các hội chợ giới thiệu nông đặc sản tại Hà Nội. Đáng chú ý, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 8 quốc gia. Vụ vải năm 2019, doanh thu từ vải thiều và hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt trên 6.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau hơn 1 năm triển khai Chương trình OCOP tại khu vực miền núi phía Bắc, đến nay bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các địa phương. Tính đến hết tháng 6/2019 đã có 10/14 tỉnh phê duyệt đề án triển khai Chương trình OCOP với tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến năm 2020 là 577 sản phẩm. Tổng nguồn lực huy động của 10 tỉnh đã phê duyệt dự kiến đạt 816,8 tỷ đồng, so với tổng số 2.490 sản phẩm của cả nước (tổng nguồn lực dự kiến đạt 8.524 tỷ đồng).
Tập trung vào sản phẩm có thế mạnh
Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả, đại diện tỉnh Bắc Giang kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo đồng bộ thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020 và định hướng giai đoạn sau năm 2020 được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, đây là chương trình có sự phát triển ngoạn mục. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, toàn vùng đã xây dựng được 577 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm nổi tiếng, chất lượng cao, giá thành hợp lý, được thị trường đón nhận.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, phát triển sản phẩm OCOP giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Thứ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP, trong đó, đặt trọng tâm vào các sản phẩm có thế mạnh nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: OCOP chính là một trong những động lực mang lại sức sống cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới. |