Chế biến lá chanh xuất khẩu tại Công ty Tân Đông
CôngThương - Đặc sản nhà quê xuất ngoại
Trước đây, rau khoai lang luộc là một món ăn dân dã chốn thôn quê mà chẳng người dân Nam Bộ nào không biết. Rau được hái từ ngọn những dây khoai lang bò lổn ngổn trên mặt đất vào thời điểm khoai lang sắp đến thời điểm thu hoạch củ để luộc chấm kho quẹt trong bữa cơm gia đình hoặc đem ra chợ bán vài ngàn cho lũ nhỏ ăn bánh. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 năm, một số công ty chế biến nông sản đã nghiên cứu cấp đông sản phẩm này xuất khẩu sang thị trường Châu Âu dưới 2 dạng để nguyên lá hoặc xay nhuyễn đóng thùng, cấp đông ở nhiệt độ âm 180C.
Theo Công ty TNHH SX-TM Tân Đông (quận Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh), từ năm 2011, công ty đã thu mua khoảng 10 tấn ngọn khoai lang của bà con trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Long An, giá thu mua tùy thuộc theo từng thời điểm, bình quân khoảng 4.000 đồng/kg. Tháng 4/2012 tới, công ty sẽ tiếp tục thu mua ngọn khoai lang từ bà con nông dân.
Lâu nay, nhất là khu vực miền Tây Nam Bộ, người ta thường nghe nông dân trồng chanh để hái trái, vậy mà giờ đây, nhiều hộ dân ở Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) lại hái lá đem bán. Bà Nguyễn Minh Trang, chuyên thu mua nông sản ở địa phương này- cho biết, khu vực này nông dân trồng chanh bán lá. Tuy nhiên, khi nào có người đặt hàng thấy đại lý mới thu mua lá chanh của nông dân với mức giá bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Mỗi hộ hái được trung bình 10 – 20 tấn lá chanh/đợt
Theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Đông, lá chanh là gia vị thường đi kèm với gà luộc nhưng hiện nay lá chanh còn được sử dụng trong nhiều món ăn khác. Điển hình như được phối hợp thành gia vị hoàn chỉnh trong món lẩu Thái được xuất khẩu sang Châu Âu với túi nguyên liệu gồm lá chanh, củ riềng, ớt hiểm và sả cây. Trong nước, Công ty LD TNHH KFC Việt Nam là đối tác tiêu thụ sản phẩm bột gia vị lá chanh xay của Công ty Tân Đông cung cấp để tăng hương vị cho món gà rán.
Trong những tháng cuối năm 2011, Công ty Tân Đông đã tổ chức thu mua lá chanh ở các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là ở Bến Tre với tổng sản lượng lá chanh thu mua được hơn 5 tấn. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty Tân Đông hiện đang đầu tư trồng giống chanh Thái Lan (trái khô) để lấy lá chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lá chuối, lá khoai mì biến thành tiền
Lá chuối cũng là một loại sản vật đặc sệt chất quê thường dùng để gói bánh, lót thực phẩm nhưng cũng lắm khi lá chuối bị chặt bỏ nằm chỏng trơ giữa vườn vì giá trị chẳng bao nhiêu. Thế mà hai ba năm trở lại đây, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ và được người tiêu dùng nhiệt liệt đón nhận. Tiên phong trong việc xuất khẩu mặt hàng “độc chiêu” này là Công ty Thành Hải (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) với lô hàng lá chuối 20 tấn đầu tiên được xuất đi Mỹ cho Tập đoàn A&M Seafood vào cuối tháng 12/2008.
Ông Lâm Minh Thành- Giám đốc Công ty Thành Hải- cho biết, khách hàng Mỹ, nhất là Việt kiều rất mê sản phẩm lá chuối nên mặt hàng này rất đắt khách. Hiện nay, mỗi tháng, Thành Hải xuất khoảng 1 container lá chuối vào thị trường Mỹ, và nhiều khả năng sẽ còn tăng lên do đơn đặt hàng của các siêu thị ngày càng nhiều. Để có hàng xuất khẩu, Công ty Thành Hải phải bố trí nhân viên lên tận vùng Long Khánh, Trảng Bom, Định Quán, Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai thu mua với giá 5.000 đồng/kg lá chuối nguyên liệu.
Theo một chủ doanh nghiệp thu mua lá chuối xuất khẩu, các quốc gia thuộc Trung Quốc, Đông Âu là những thị trường lớn nhất của xuất khẩu lá chuối. Thời gian gần đây, loại bao bì tự nhiên này rất được ưa chuộng để bao gói thực phẩm và bảo quản đồ đông lạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng lượng lá chuối xuất khẩu so với mức một container 40 feet như hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho biết dù nhu cầu thị trường là rất cao nhưng chưa có vùng trồng chuối nào chú ý đến việc bán lá chuối mà chủ yếu là tận dụng từ các vườn chuối lấy quả.
Mặt hàng xuất khẩu lạ nhất trong các sản vật Việt Nam có lẽ là lá khoai mì, vì ở trong nước, loại lá này dường như chưa có công dụng gì ngoại trừ cho gia súc ăn. Tuy nhiên, theo Công ty Tân Đông, đây lại là một trong những loại thực phẩm ưa thích của người Châu Âu gốc Phi để chế biến các món ăn như xúp hoặc thêm vào các món ăn khác.
Để có lá khoai mì đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng không đơn giản bởi khoai mì có hàm lượng cyanua trong lá cao nên rất khó chế biến. Vì vậy mà Công ty Tân Đông chỉ mua lá khoai mì từ Long An (khu vực này trồng loại khoai mì thường không phải là khoai mì cao sản). Trước khi thu hoạch củ khoai mì vài ngày, người dân sẽ hái lá bán lại cho công ty với giá khoảng 3.500 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá củ mì.
Dù việc xuất khẩu các mặt hàng đậm chất quê này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, số lượng chưa thật lớn, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng, với tiềm năng về nguồn nguyên liệu cũng như nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các mặt hàng đặc sản làng quê Việt Nam như rau khoai lang, lá chanh, lá chuối, lá khoai mì… sẽ có vị trí nhất định trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.