Chủ động dự trữ hàng trăm tấn gạo cho bà con tỉnh Điện Biên |
Nhu cầu hàng hóa thiết yếu lớn
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) các tỉnh phía Bắc từ đầu năm đến nay ở 4 tỉnh điển hình như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xảy ra nhiều đợt thiên tai, mưa lũ kèm gió lốc gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng đầu năm 2016 của Điện Biên là 283 tỷ đồng, Sơn La 286 tỷ đồng, Hòa Bình 23,7 tỷ đồng, Lai Châu trên 27,4 tỷ đồng.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Tây Bắc, mặc dù thời gian qua, công tác PCTT đã được triển khai tích cực, song phương án PCTT ở một số huyện, xã vùng sâu, vùng xa còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế, nhất là nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ mùa mưa lũ. Cụ thể, từ thực tế những đợt bão trước đây, nhu cầu thị trường đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng như: Tôn, đinh, ốc vít, dây thép… ở địa phương miền núi là rất lớn trong khi kế hoạch dự trữ hầu như rất ít. Nguồn cung các mặt hàng này luôn bị động vì phải phụ thuộc từ các tỉnh thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hòa Bình, những mặt hàng vật liệu xây dựng và các mặt hàng thiết yếu cần được các ngành chức năng có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị nguồn cung cho thị trường khi bão lụt xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, do tình hình kinh tế khó khăn cho nên một số doanh nghiệp của tỉnh chưa chú trọng đến hàng hóa dự trữ phục vụ phòng chống lụt bão.
Chủ động nguồn hàng, ổn định giá cả
Liên quan đến đảm bảo cung ứng hàng hóa tại các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, ông Hoàng Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT năm 2016. Dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư đầy đủ, cung cấp kịp thời bảo đảm không để xảy ra khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa, kể cả những khu vực bị bão lũ chia cắt.
Theo ông Nguyễn Văn Tưởng - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên, tại thời điểm này tỉnh đã dành hơn 8 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa lũ, trong đó dự trữ trên 100 tấn gạo, 16.000 thùng mì ăn liền, xăng dầu, cùng nhiều mặt hàng khác… Lượng hàng hóa này đã cung cấp đến các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các xã, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để khi có ách tắc giao thông xảy ra vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt của bà con, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đối với tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Sỹ Chín - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã ban hành văn bản gửi các huyện, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai thực hiện công tác PCTT và dự trữ hàng hóa năm 2016.
Theo đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT năm 2016 bao gồm 413.600 thùng mỳ ăn liền; 950 tấn gạo; các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác khoảng 2.156 tấn. Trên 1 triệu lít xăng; 1,0 triệu lít dầu diesel; 32.000 lít dầu hỏa. Các loại hàng hóa khác với giá trị khoảng 204 tỷ đồng…
“Trong trường hợp các vùng bị chia cắt lâu ngày Sở cũng huy động hết nguồn dự trữ tại địa phương, các đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại các vùng lân cận vận chuyển hàng hóa tới vùng bị chia cắt” - ông Chín chia sẻ.
Theo kế hoạch, Sở Công Thương các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá cả, chất lượng hàng hóa tại các địa bàn xảy ra lũ lụt, thực hiện nghiêm quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, không để thiếu hàng.