Ông Mai Văn Sướng – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam„, Hà Giang được Bộ Công Thương hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định. Với lợi thế có rất nhiều đặc sản địa phương được du khách ưa chuộng nên Hà Giang đã quyết định xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định với mục tiêu là điểm trung chuyển hàng hóa đặc sản địa phương.
Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại Cửa hàng bán buôn bán lẻ Hồng Hải bày bán rất nhiều đặc sản Hà Giang |
Đặt Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại Cửa hàng bán buôn bán lẻ Hồng Hải – phường Trần Phú – TP Hà Giang, vốn là một điểm bán hàng nông sản địa phương như chè các loại của các huyện trên địa bàn, mật ong, miến dong, rượu, bánh kẹo tam giác mạch, các loại dược liệu... Với diện tích 65 m2, có vị trí thuận lợi (gần chợ Trung tâm) nên hoạt động kinh doanh diễn ra rất sôi động.
Bà Vũ Thị Tuyết Hồng - chủ cửa hàng cho biết, nhiều năm trước đây, cửa hàng đã chuyên kinh doanh các sản phẩm địa phương và được du khách ưa chuộng. Sau khi được chọn lựa xây dựng thành Điểm bán hàng Việt Nam, cửa hàng đã được chỉnh trang, lắp biển, sắp xếp lại, giúp hàng hóa nổi bật, hệ thống, người tiêu dùng dễ nhận biết hơn. Việc gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam cũng giúp người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của cửa hàng nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, sản lượng tiêu thụ hàng hóa tăng đáng kể. Trước khi xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt, mỗi năm, cửa hàng tiêu thụ khoảng 12,8 tấn chè các loại (khoảng 35kg/ngày), gần 5,5 tấn dược liệu (trung bình 15kg/ngày), khoảng 3.650 lít rượu các loại (trung bình 10 lít/ngày) và khoảng 1.500 lít mật ong... Sau khi được hỗ trợ xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 65 kg chè búp khô các loại; 20 kg dược liệu/ngày, cá biệt có ngày tiêu thụ gần 30 kg dược liệu; rượu 22lít/ngày, mật ong 12 lít/ngày... Ngoài ra, các mặt hàng khác sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể. Cùng với các đặc sản của Hà Giang, cửa hàng còn là điểm tiêu thụ các sản phẩm đặc sản địa phương của các tỉnh lân cận, đặc biệt là Cao Bằng.
Các đặc sản như bánh tam giác mạch được nhiều du khách ưa chuộng |
Ông Mai Văn Sướng khẳng định, không chỉ là điểm tiêu thụ hàng đặc sản địa phương, Điểm bán hàng Việt Nam còn tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế và giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động; thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển; Giúp người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý, để từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam.
Đoàn làm việc của Bộ Công Thương kiểm tra Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại Hà Giang |
Đánh giá về hiệu quả của Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại Hà Giang, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, việc xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định thành một điểm kinh doanh đặc sản địa phương là hướng đi hợp lý với điều kiện thực tế của tỉnh, giúp đánh vào tâm lý người tiêu dùng, du khách để họ yên tâm, từ đó ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải làm sao đảm bảo hàng hóa được bày bán tại đây là hàng có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Đặc sản địa phương, sản xuất thủ công cũng phải có bao bì, nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, cần nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp để họ thấy rằng xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong kích cầu tiêu thụ, từ đó chủ động nhân rộng hơn các Điểm bán hàng Việt Nam chính hãng, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, bà con được sử dụng hàng hóa Việt chính hãng.
TIN LIÊN QUAN | |