Trước hết, ông có thể cho biết một số nét khái quát về việc tăng cường và hoàn thiện hệ thống pháp luật PVTM của Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) |
PVTM là công cụ quan trọng để bảo vệ lợi ích của nền kinh tế, các ngành sản xuất, DN và chính người tiêu dùng, phù hợp với những cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Nhận thức được tầm quan trọng của PVTM, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rất rõ ràng, các nghị quyết của Đại hội Đảng đã chỉ ra, chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường công tác PVTM.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật, cơ chế về PVTM không ngừng được hoàn thiện, tại Luật Quản lý Ngoại thương đã có chương nội dung riêng về PVTM; cùng với đó là các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn về PVTM của Bộ Công Thương liên tiếp được ban hành… Hiện nay, hệ thống pháp luật về PVTM đã tương đối đầy đủ, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trên cơ sở này, chúng ta cũng đã triển khai thực hiện các biện pháp về PVTM tương đối hiệu quả; phục vụ thành công cho tiến trình hội nhập, cũng như quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương.
Các biện pháp PVTM đã bảo vệ lợi của ngành sản xuất trong nước như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Trong những năm gần đây, để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, chúng ta đã chủ động sử dụng công cụ PVTM. Đến nay, đã điều tra, áp dụng 25 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều nhóm sản phẩm quan trọng như thép, gỗ, nhựa, đường, sợi, phân bón… Qua đó, đã bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất quan trọng trong nước; tạo điều kiện phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng. Từ đó, có điều kiện để phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại |
Theo chúng tôi đánh giá, các biện pháp PVTM đã bảo vệ việc làm của gần 150.000 người lao động trong các lĩnh vực liên quan; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và bền vững hơn trước những tác động và cú sốc từ bên ngoài. Với những kết quả này, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị liên quan để lồng ghép các nội dung về sử dụng công cụ PVTM để vừa thực hiện chủ trương bảo vệ lợi ích của nền kinh tế của Đảng, nhà nước, đồng thời vừa thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành Công Thương.
Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng, cơ hội mở cửa thị trường đối với DN rất lớn. Ông có đánh giá và khuyến nghị như thế nào về PVTM đối với các DN để tránh rủi ro, tận dụng hiệu quả các FTA?
Chúng ta đều thấy rõ, FTA mang lại các tác động tích cực về mở cửa thị trường, đầu tư, công nghệ… Tuy vậy, cùng tác động tích cực lại đan xen yếu tố tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, như hàng hóa nhập khẩu sẽ gia tăng khi chúng ta giảm thuế, đưa thuế suất về 0% với đa số các mặt hàng. Còn đối với DN sản xuất, tác động trước tiên chính là tăng áp lực cạnh tranh ngay tại chính thị trường nội địa. Thứ hai, khi chúng ta có lợi thế tăng cường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu của DN trong nước sẽ có nguy cơ bị đối mặt với nhiều biện pháp PVTM với nhiều rản của thị trường nước ngoài.
Thực tế, những năm 2000, trước khi chúng ta gia nhập WTO, các công cụ PVTM còn rất mới đối với cơ quan quản lý và DN. Song hiện tại, phần lớn DN sản xuất trong nước đã có những nhận thức chung về công cụ PVTM. Tuy vậy, trước các tác động của hội nhập, cùng với chính sách bảo hộ của một số thị trường, số lượng vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự báo sẽ gia tăng nên DN cần phải tìm hiểu và nắm rõ hơn về các công cụ PVTM, cũng như quy định pháp luật có liên quan để tránh rủi ro, thiệt hại. Các DN, ngành sản xuất cần coi PVTM là yếu tố tất yếu trong môi trường kinh doanh, xuất khẩu... Từ nhận thức này, chúng ta sẽ đề ra được các chiến lược phát triển về sản phẩm, thị trường và giải pháp ứng phó phù hợp.
Để hỗ trợ DN và các ngành sản xuất trong nước hội nhập, Bộ Công Thương, trong đó Cục PVTM, sẽ có những hoạt động trọng tâm nào tới đây, thưa ông?
Chính phủ đã có nhiều đề án, các chương trình về PVTM như: Đề án về nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM… Các đề án này đã đề ra nhiều nhóm giải pháp toàn diện, cụ thể về PVTM. Bên cạnh đó, các FTA truyền thống cũng như thế hệ mới đều có những điều khoản về PVTM. Do vậy, thời gian tới, Cục PVTM sẽ tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan để triển khai nhiệm vụ của các đề án nhằm tăng cường năng lực cho DN về PVTM cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết của DN về các quy định pháp lý tại thị trường nước ngoài; khả năng xem xét, khai thác tận dụng công cụ PVTM tại thị trường trong nước theo đúng quy định của WTO và các cam kết quốc tế. Qua đó, tiếp tục góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của DN và các ngành sản xuất trong nước.
Xin cảm ơn ông!