OCOP là chương trình phát triển tài nguyên bản địa nông thôn, đã được triển khai ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan. Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai ở một số tỉnh, thành. OCOP giúp chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, làm lại bao bì mẫu mã cho tới xây dựng thương mại điện tử. OCOP đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và thứ 2 là phát triển sản xuất kinh doanh.
Du lịch phát triển giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP Đồng Tháp |
Tại Đồng Tháp, OCOP sẽ được lồng ghép trong nhiều chương trình có trước như khởi nghiệp, làng thông minh và du lịch. Đây được xem là khởi đầu để tạo nên một giá trị mới ở Đồng Tháp.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 61 sản phẩm thế mạnh, chủ yếu là sản phẩm truyền thống hoặc được cải tiến từ sản phẩm truyền thống. Trong đó, có 37 sản phẩm đã chế biến, có bao bì sản phẩm, 11 sản phẩm đã chế biến, chưa có bao bì sản phẩm, 13 sản phẩm chưa qua sơ chế.
Các sản phẩm chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh thông qua các cơ sở bán sỉ/lẻ và thương lái. Bên cạnh đó, một số sản phẩm còn được tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Úc, Hàn, Nhật, Ấn Độ , Đài Loan, Singapore, Campuchia, Lào. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020, theo đó phấn đấu đến năm 2020, có 18 sản phẩm đạt 3 - 5 sao.
Du lịch Đồng Tháp không chỉ xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách mà còn phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Nhiều gia đình đã mạnh dạn mở cửa vườn cây ăn trái đón khách tham quan và làm du lịch homestay ( Homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch, Ngôi nhà tre Phong – Levent...). Đây cũng là cơ hội để tiêu thụ mạnh các sản phẩm OCOP địa phương.
Theo ông Lê Minh Hoan - Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh, Đồng Tháp là một trong mười tỉnh được hỗ trợ trực tiếp từ chương trình mục tiêu quốc gia, vì vậy cần đề cao tính sáng tạo, gắn kết hỗ trợ người nông dân. Mỗi huyện cần chọn ra năm, bảy sản phẩm, trong đó tập trung phát triển trước những sản phẩm tiềm năng.
Chưa có nhiều kinh nghiệm để phát triển sản phẩm OCOP, các địa phương tại Đồng Tháp cũng nêu kiến nghị cần cho các hộ dân tham gia OCOP đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã có những thành công để tận mắt họ cảm nhận được những giá trị từ chương trình mang lại. Đồng thời có kinh nghiệm triển khai phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương mình. Tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, bên cạnh đó cần xem xét, các phương án, giải pháp để tận dụng nguồn lực sẵn có cũng như nguồn lực được trung ương hỗ trợ trực tếp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế tập thể, các mô hình mang tính cộng đồng.
Ông Lê Minh Hoan khẳng định, tỉnh đã có tiền đề tốt chính là các tài nguyên bản địa. Do đó, tỉnh sẽ tận dụng chương trình để chấp cánh cho các tài nguyên bản địa này. Các đơn vị có liên quan cần tập trung nghiên cứu tham mưu cho tỉnh ban hành ngay chỉ đạo thực hiện OCOP. Đồng thời, rà soát lại các sản phẩm thế mạnh của mình, để định hướng phát triển theo tinh thần chương trình OCOP trong thời gian tới.