Khi đồng bào làm du lịch
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và còn lưu giữ nhiều nét hoang sơ, Vườn Quốc gia Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) từ lâu đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với Ba Bể, du khách có thể đi tham quan hồ Ba Bể, thăm hệ thống hang động kỳ vĩ gồm động Hua Mạ, động Puông, ngắm Ao Tiên trên lưng chừng núi bằng thuyền, xuồng...
Mấy năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu ăn – nghỉ của du khách, dịch vụ du lịch homestay xuất hiện đầu tiên ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu. Đây là một trong số ít thôn bản còn lưu giữ được những văn hóa và phong tục tập quán của người dân tộc Tày với kiến trúc theo kiểu nhà sàn nằm dựa vào những vách núi, soi bóng xuống mặt hồ thơ mộng.
Thôn Pác Ngòi - nơi lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày |
Sau một thời gian, nhận thấy dịch vụ homestay ở Pác Ngòi mang lại hiệu quả kinh tế khá hơn hẳn so với các công việc khác, các thôn bản như: Cốc Tộc, Bó Lù, Bản Cám, Đầu Đằng, Nà Bản… cũng bắt đầu tham gia vào dịch vụ homestay. Với dịch vụ này, du khách ưa thích mạo hiểm có thể đi thăm các cánh rừng nguyên sinh; thăm các bản làng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao; đi các chợ phiên để mua sản phẩm đặc sản của địa phương. Sau khi đi thăm thú thiên nhiên, du khách sẽ về nghỉ tại nhà sàn của người dân, cùng tìm hiểu, trải nghiệm những văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Tày ở Ba Bể.
Từ tự phát đến chủ động học hỏi
Nếu như trước đây, hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch của người Tày ở Nam Mẫu chủ yếu là tự phát; thì sau khi có Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ, người dân đã được đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn về phục vụ du lịch một cách khá bài bản. Từ chỗ nhận thức của người dân được nâng cao, dẫn đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử của người dân đối với khách du lịch cũng có những chuyển biến rõ nét. Nhiều nét văn hóa đẹp được duy trì, gìn giữ. Hơn thế, để thu hút du khách, nhiều nhà nghỉ ở Nam Mẫu đã tự học ngoại ngữ, học nấu ăn, thành lập đội văn nghệ thường xuyên phục vụ du khách khi có nhu cầu.
Nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ như sản xuất nông sản, cung cấp thực phẩm, nhân lực cho những hộ gia đình làm dịch vụ homestay, tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Mẫu giảm rõ rệt trong mấy năm gần đây. Ông Hoàng Văn Chuyền - chủ cơ sở homestay Hoàng Chuyền - cho biết, gia đình ông bắt đầu mở dịch vụ homestay từ năm 2012, việc kinh doanh dịch vụ lưu trú giúp gia đình ông cũng như các hộ gia đình khác trong thôn có thêm nguồn thu, không hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp như trước đây. Ngoài những nhân lực là người trong gia đình, mỗi khi đông khách, các homestay còn thuê thêm người. Các lao động phục vụ du lịch trong thôn có thể vừa nấu những món ăn đặc trưng của người bản xứ, vừa có thể biểu diễn những lời ca, điệu múa dân gian, truyền thống phục vụ du khách…
Du khách nước ngoài thích thú với thiên nhiên và các món ăn do đồng bào Tày chế biến |
Tuy nhiên, “chiêu đãi” du khách bằng vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc đến nay cũng đang gặp khó ở Pác Ngòi, bởi sản phẩm du lịch ở đây vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa tạo được sức hấp dẫn cho du khách. Ngoài thời gian thăm thú, ngắm cảnh ban ngày, buổi tối hầu như chưa có các loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn nào dành cho du khách. Trong đó, một không gian sinh hoạt chung, là nơi cho du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể gặp gỡ, giao lưu khi đến với Ba Bể - cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Đáng lo ngại là gần đây, do số lượng khách du lịch tăng, nhu cầu lưu trú tăng, nhiều hộ dân thay vì dựng nhà sàn truyền thống, đã và đang xây dựng nhà bằng gạch, điều này sẽ làm mất đi nét đẹp vốn là sức hút với du khách, phá vỡ cảnh quan nguyên sơ ở Ba Bể.