Sản phẩm vẫn khó vào siêu thị
Từ nghề làm tương truyền thống của gia đình, hơn 10 năm trước, chị Hồ Thị Xuân Hương ở xóm 2 (Nam Anh- Nam Đàn- Nghệ An) đã mạnh dạn đầu tư sản xuất với quy mô lớn và trở thành hộ có số lượng tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của huyện Nam Đàn với khoảng 400 lít tương/ngày. Đặc biệt, hiện cơ sở sản xuất tương của gia đình chị đã được công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo Tiêu chuẩn cơ sở, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và là một trong 8 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của huyện Nam Đàn với hạng 4 sao. Cơ sở của chị Hương đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Nghệ An.
Cơ sở làm tương đầu tiên của chị Hồ Thị Xuân Hương ở xóm 2 (Nam Anh- Nam Đàn- Nghệ An) được gắn 4 “sao” OCOP của tỉnh Nghệ An năm 2010 |
Sản phẩm của gia đình chị là một trong 48 sản phẩm nông nghiệp vừa được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP và 4 sao cấp tỉnh năm 2019. “Chúng tôi muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào?”, chị Hương cho biết.
Ông Hồ Viết Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Nam Anh (huyện Nam Đàn) - cho rằng: "Xã có một số đặc sản như, tương, giò me, rau quả nhà màng…. Thế nhưng chủ yếu tiêu thụ trên thị trường tự do. Chúng tôi rất muốn đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng giá thu mua thấp hơn giá thị trường nên người dân chưa mặn mà, các siêu thị lớn thì chưa vào được…”. Trong khi người sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất.
Theo ông Trần An Khang - Giám đốc siêu thị BigC Vinh (Nghệ An) - trên các kệ hàng của siêu thị Big C, hầu hết các sản phẩm nông sản đến từ các địa phương và rất nhiều nông sản, đặc sản vùng miền. Riêng nông sản, thực phẩm, siêu thị có 18.000 mã hàng, trong đó 96% mã hàng của Việt Nam. Thế nhưng sản phẩm của Nghệ An chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn so với các sản phẩm của các địa phương khác. Các sản phẩm OCOP, trong đó có nhóm nông sản, thực phẩm khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm…
Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Xúc tiến thương mại (XTTM) Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP đó là có nhiều người tiêu dùng chưa biết đến để lựa chọn và tiêu dùng các sản phẩm OCOP, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm còn khó khăn, việc thực hiện các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm OCOP còn bị hạn chế về kinh phí, tính chủ động của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP còn chưa cao.
Hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị
Để giúp các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đưa sản phẩm vào siêu thị, mới đây, Sở Công Thương Nghệ An đã triển khai một số hoạt động xúc tiến thương mại như: Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Phòng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm OCOP ở TP. Vinh (Nghệ An). Bước đầu, người tiêu dùng TP. Vinh đã tiếp cận được với các sản phẩm OCOP và khá hài lòng về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Hợp tác xã Sen quê Bác đóng gói trà sen phục vụ khách du lịch |
Ông Trần An Khang cho biết thêm, khi muốn đưa sản phẩm vào siêu thị, đơn vị đã cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị... “Hiện nay, BigC có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý. Nếu bà con muốn đưa sản phẩm vào siêu thị BigC, hãy liên hệ với chúng tôi” - ông Khang nói thêm.
Không chỉ kết nối với siêu thị, theo bà Trần Mỹ Hà, Sở Công Thương Nghệ An sẵn sàng kết nối với các chủ sản xuất sản phẩm tham gia OCOP, giúp họ tiếp cận nhiều hơn với thương mại điện tử. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An - chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ.
Sở NN&PTNT Nghệ An tiếp tục hỗ trợ khâu sản xuất về khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chợ thương mại điện tử của tỉnh Nghệ An. Những sản phẩm được gắn sao trong Chương trình OCOP năm 2019 với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, chắc chắn sẽ được các siêu thị và người tiêu dùng đón nhận.